Thua lỗ kỷ lục trong quý 2, Yeah1 bán tiếp cổ phần công ty con
Cụ thể trong quý II/2021, dù doanh thu thuần của YEG đạt 311,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên giá vốn hàng bán lại tăng mạnh và vượt mặt doanh thu, đẩy lợi nhuận gộp về mức -49 tỷ đồng.
Chưa cần đến các chi phí, YEG cũng đã có kỳ kinh doanh thảm hại. Thế nhưng bán hàng dưới giá vốn vẫn chưa đủ khi các chi phí đều đồng loạt tăng cao. Chi phí tài chính chiếm hơn 34,4 tỷ cao gấp 15 lần cùng kỳ, ngoài ra chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt tăng 5% và 22,5%.
Do vậy, dù doanh thu hoạt động tài chính đạt 40 tỷ (gấp 7 lần quý II năm ngoái) nhờ thoái vốn từ công ty con nhưng kết quả, YEG vẫn lỗ đến 144,5 tỷ đồng trong quý 2 này, đây là mức lỗ cao nhất theo quý từ khi YEG lên sàn niêm yết đến nay.
Lũy kế 6 tháng, YEG ghi nhận lỗ 197 tỷ, lợi nhuận giảm không phanh so với khoản lãi nhỏ hơn 2,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020. Năm nay dù đặt kế hoạch chỉ lãi 4 tỷ đồng, tuy nhiên khoảng cách giữa thực hiện với mục tiêu của YEG đang ngày càng nới rộng hơn.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu YEG đã rơi xuống dưới vùng giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Mới đây, cổ đông lớn của YEG là bà Trần Uyên Phương đã hạ tỷ lệ sở hữu của mình bằng cách bán ra cổ phiếu ở vùng giá thấp và chấp nhận lỗ (bà Uyên Phương mua vào cổ phiếu YEG hồi tháng 2/2020 khi thị giá mã này ở vùng 49.000/cổ phiếu).
Trích lập dự phòng thêm hàng loạt khoản đầu tư, phải thu
Riêng trong quý II, YEG đã phải 2 lần bán đi cổ phần sở hữu. Cụ thể, ngày 16/4/2021, YEG đã bán toàn bộ 51% cổ phần sở hữu tại CTCP Truyền thông On+, giá chuyển nhượng là 5,1 tỷ đồng và tiến hành chuyển nhượng 7,11% cổ phần của CTCP Yeah1 Edigital cho cổ đông chiến lược với giá 32 tỷ đồng. Khoản lãi chênh lệch là 25,3 tỷ được ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất.
Tới ngày cuối cùng của quý (30/6/2021), công ty con của YEG là CTCP Giải trí Rồng cũng đã hoàn tất việc bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Yeah1 Network Pte.Ltd với giá 10.000 USD và ghi nhận khoản lãi chênh lệch 12,7 tỷ đồng.
Đặc biệt, ở khoản mục đầu tư tài chính vào công ty liên kết, cuối quý 2 này, YEG đột ngột dự phòng toàn bộ 100% giá trị đầu tư vào 2 công ty, gồm CTCP Giải trí 100D (20,9 tỷ) và CTCP Công nghệ Tự động Kolorlife (6,6 tỷ). Vốn góp của YEG ở 2 công ty này lần lượt là 29,9% và 34,9%. Trước đó, việc đầu tư góp vốn vào đơn vị khác cũng gặp vấn đề khi YEG phải dự phòng 100% giá trị vào 3/5 công ty được đầu tư. Cuối tháng 6 này, nhờ thương vụ CTCP Giải trí Rồng bán vốn góp tại Công ty Yeah1 Network, báo cáo hợp nhất của YEG đã không còn phải ghi nhận việc đầu tư vào Công ty Springme và không còn phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này.
Tiếp đến ở hạng mục phải thu ngắn hạn khác cũng xuất hiện thêm các khoản trích lập dự phòng mới. Ví dụ cuối quý I, khoản phải thu từ hợp đồng hợp tác kinh doanh về đầu tư xây dựng dự án Hùng Vương Square (quận 5, Tp.HCM) mới trích lập 12,5 tỷ thì cuối quý 2, mức dự phòng đã nâng lên 100% giá trị phải thu là 17,5 tỷ. Khoản thu cho việc hợp tác trò chơi trực tuyến với CTCP Giải trí 100D cũng được trích lập toàn bộ giá trị là 13,1 tỷ đồng.