Thương mại lợn toàn cầu giảm, Trung Quốc sẽ bớt mua thịt lợn, xuất khẩu thịt của Việt Nam khó khăn
Nhu cầu thịt lợn toàn cầu sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022
Các chuyên gia của Ngân hàng Rabobank dự đoán các hộ chăn nuôi lợn trên toàn cầu sẽ vẫn khó khăn khi chi phí thức ăn, năng lượng, giá vận chuyển, dịch bệnh và chi phí lao động sẽ tiếp tục tăng.
Rabobank cảnh báo, tăng trưởng sản xuất thịt lợn cũng như thương mại thịt lợn toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại. Vụ ngũ cốc ở Nam Mỹ mất mùa và xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen không ổn định đang làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi toàn cầu vốn đã eo hẹp, làm giá thức ăn chăn nuôi tăng 20% so với cùng kỳ. Các nhà sản xuất sẽ tập trung vào chất lượng và hạn chế tăng đàn lợn, và dự kiến sẽ giảm ở các khu vực khó khăn về tài chính như Anh, Đức và Đông Nam Á.
Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn diễn biến trái chiều tại một số khu vực, tiêu thụ thịt lợn vẫn tăng mạnh ở Mỹ và Hàn Quốc, những nước đã giảm các hạn chế của đại dịch, trong khi tiêu thụ giảm ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Mexico, những quốc gia vẫn đang bị giãn cách liên quan đến Covid-19 và tăng trưởng kinh tế yếu hơn.
Dự đoán giá thịt lợn tăng sẽ làm giảm nhu cầu trong nửa cuối năm 2022, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ tại nhà tăng và sẽ có các lựa chọn loại khác thay thế thịt. Thương mại thịt lợn toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ giảm do xu hướng kinh tế yếu hơn và nguồn cung thịt lợn dồi dào. Xuất khẩu nửa đầu năm 2022 có thể sẽ tiếp tục giảm, do các nước nhập khẩu vẫn thận trọng do kinh tế toàn cầu suy yếu và giá thịt lợn tăng, trừ khi các thị trường nhập khẩu thấy khan hàng.
Đầu tháng 4/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ đã có xu hướng giảm mạnh do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc giảm. Ngày 08/4/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao tháng 5/2022 giao dịch ở mức 108,3 UScent/lb, giảm 4,5% so với cuối tháng 3/2022, nhưng tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2022, Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu thịt lợn, trong khi tăng nhập khẩu thịt bò. Theo đó, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2022 dự tính sẽ giảm xuống còn 3,3 triệu tấn do sản lượng trong nước tăng và thuế nhập khẩu thịt lợn tăng từ 8% lên 12%.
Năm 2022, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc dự báo đạt 50 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2021. Dự báo lượng lợn hơi của Trung Quốc năm 2022 đạt khoảng 665 triệu con, tăng 2% so với năm 2021. Đối với thịt bò, USDA dự báo nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc năm 2022 đạt 3,1 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2021. Năm 2022, sản lượng bò của Trung Quốc dự báo sẽ tăng lên 52,5 triệu con, nhưng nhập khẩu bò sống cũng có thể đạt 375 nghìn con, chủ yếu nhập khẩu từ các nước Nam Mỹ. Sản lượng thịt bò năm 2022 của Trung Quốc dự báo đạt 7,15 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2021. Năm 2022, dự báo Brazil vẫn là nhà cung cấp thịt bò lớn nhất cho Trung Quốc.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,07 triệu tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 4,05 tỷ USD, giảm 33% về lượng và giảm 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Brazil, Hoa Kỳ, Newzeland, Argentina và Úc là các thị trường cung cấp thịt các loại chủ yếu cho Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu thịt trâu, bò sống của Trung Quốc đạt 310 nghìn tấn, trị giá 1,95 tỷ USD, giảm 3,4% về lượng, nhưng tăng 33,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu thịt gia cầm của Trung Quốc đạt 100,87 nghìn tấn, trị giá 226,5 triệu USD, giảm 17,1% về lượng, nhưng tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đạt 280 nghìn tấn, trị giá 573,9 triệu USD, giảm 60,4% về lượng và giảm 71,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hoa Kỳ và Hà Lan.... là các thị trường cung cấp thịt lớn chủ yếu cho Trung Quốc.
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm mạnh
Trong nước, đà tăng giá lợn hơi tiếp tục được duy trì hôm nay (18/4), đặc biệt một số tỉnh phía Nam có mức tăng đến 2.000 đồng/kg.
Ngày 18/4, giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc tương đối ổn định, nhiều tỉnh thành đang giao dịch chung mức 55.000 đồng/kg. Mức cao nhất vùng ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Phúc là 56.000 đồng/kg, đưa giá chung toàn vùng dao động trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, giá lợn hơi hôm nay cũng đi ngang, Bình Thuận tiếp tục là địa phương có giá thu mua cao nhất khu vực, neo ở mốc 58.000 đồng/kg. Theo sát là 2 tỉnh Quảng Trị và Lâm Đồng, ở mức cao 57.000 đồng/kg. Giá heo lợn hôm nay tại miền Trung - Tây nguyên ở mức khá cao, dao động trong khoảng 54.000 - 58.000 đồng/kg.
Tương tự, tại khu vực miền Nam, nhiều nơi được điều chỉnh tăng giá bán từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Cụ thể, lợn hơi tại Bình Phước và Long An tăng 2.000 đồng lên 56.000 đồng/kg. Cùng đà tăng còn có Sóc Trăng cũng điều chỉnh tăng 1.000 đồng lên mốc 57.000 đồng/kg - ngang bằng mức giá lợn hơi ở Đồng Nai, TP.HCM và Vũng Tàu. Giá cao nhất trong khu vực này là tại An Giang với mức 58.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi toàn miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 54.000 - 58.000 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 2,32 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 10,67 triệu USD, giảm 17,9% về lượng, nhưng tăng 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm mạnh là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như thị trường Hồng Kông, Hàn Quốc... giảm mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 17 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 47,2% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, đạt 1,09 nghìn tấn, trị giá 6,72 triệu USD, giảm 37,7% về lượng và giảm 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu trong 2 tháng đầu năm 2022 gồm: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...
Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 1,35 nghìn tấn, trị giá 7,51 triệu USD, tăng 66,2% về lượng và tăng 44,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.