Thượng viện Mỹ tính kế kiện Trung Quốc ra toà để trả giá cho đại dịch

24/06/2020 09:52 GMT+7
Trong phiên điều trần đêm qua tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện, các nhà lập pháp Mỹ đã tranh luận về việc liệu Mỹ có dễ dàng kiện Trung Quốc sau những thiệt hại khổng lồ mà đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán mang đến cho nước Mỹ hay không.
Thượng viện Mỹ tính kế kiện Trung Quốc ra toà để trả giá cho đại dịch - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc đã lây lan ra toàn cầu và giết chết ít nhất 120.000 người Mỹ

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện nhấn mạnh: “Cho đến bao giờ chúng ta mới thảo luận về những nỗ lực mới để ngăn chặn một sự kiện như đại dịch từ Trung Quốc tái diễn? Với cách xử lý đại dịch Covid-19 khôn ngoan, gian dỗi và nhẫn tâm - không còn từ nào hay hơn - của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi nghĩ đây là thời điểm cần thiết để chúng ta đưa ra những biện pháp mới đối phó với vấn đề cũ”.

“Tôi không nghĩ ra biện pháp nào khả thi hơn là cho phép các cá nhân hoặc tổ chức Mỹ kiện chống lại Trung Quốc - thủ phạm gây ra những tổn thất khó bù đắp cho gia đình, cho nền kinh tế và cả tâm lý của mọi người dân trong quốc gia” - ông Graham nói thêm.

Trong phiên điều trần, các thượng nghị sĩ hai đảng đã bày tỏ sự giận dữ với Trung Quốc vì phản ứng sai lầm trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát khiến đại dịch lây lan ra khắp thế giới và giết chết gần nửa triệu người. Trong đó, Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Hơn 120.000 người Mỹ đã chết vì virus SARS-CoV-2, trong khi số ca tử vong được báo cáo chính thức tại Trung Quốc chưa đầy 5.000 người.

Một số Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ không quên lên án thêm rằng lỗi lầm không chỉ nằm ở Bắc Kinh, mà còn ở Tổng thống Donald Trump. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của Đảng Dân chủ tới từ California cho hay: “Tôi rất quan tâm đến các vấn đề xung quanh việc Trung Quốc thất bại trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Nhưng chúng ta cũng cần xem xét cẩn thận những gì chính phủ của chúng ta có thể làm và nên làm. Liệu nó có tốt hơn (so với những gì Bắc Kinh đã thực hiện)?”

Phiên điều trần hôm 23/6 cũng thảo luận về Đạo luật miễn trừ đối với chủ quyền nước ngoài (FSIA). Luật này được ban hành năm 1976 quy định các trường hợp người Mỹ không được phép kiện chính phủ nước ngoài. Đây được cho là đạo luật mà Trung Quốc có thể sử dụng để tránh trách nhiệm trong vụ bùng phát dịch Covid-19

Trước đó, 2 tiểu bang Mỹ là Missouri và Mississippi đã tiên phong trong các vụ kiện chống lại Trung Quốc. Tổng chưởng lý Mississippi, ông Lynn Fitch đã xuất hiện trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện cùng ngày để thảo luận các vấn đề liên quan. Ông này khẳng định: “Tôi tin rằng hành động pháp lý này là thay mặt cho toàn bộ người dân Mississippi. Chúng ta không thể bỏ qua những gì Trung Quốc đã gây ra cho người dân của ta”. Các thượng nghị sĩ trong phiên điều trần cũng đồng tình rằng kiện Trung Quốc là hành động tốt nhất để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm sau những hậu quả nặng nề của vụ dịch.

Cho đến nay, đã có ít nhất 5 vụ kiện tập thể của công dân Mỹ tại Florida, California, Nevada, Pennsylvania và Texas nhằm chống lại Trung Quốc khi nước này để đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

Nhưng chưa rõ các vụ kiện Trung Quốc như vậy có đủ điều kiện để được miễn trừ theo Đạo luật miễn trừ đối với chủ quyền nước ngoài hay không, và liệu Quốc hội có sẵn sàng sửa đổi đạo luật để tạo điều kiện cho các vụ kiện Trung Quốc hay không. Theo luật này, để kiện một quốc gia tại Tòa án Mỹ cần phải dựa trên những hành vi như hành động khủng bố, gây thương tích hoặc tử vong cho công dân ở Mỹ, gây tổn hại cho người Mỹ hoặc nước Mỹ thông qua hoạt động thương mại hoặc chiếm giữ tài sản.

Năm 2016, đã từng có tiền lệ Quốc hội Mỹ sửa đổi Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài để cho phép các nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11/9 kiện Saudi Arabia. Mới đây, một dự luật mới cũng được đưa ra tại Hạ viện và Thượng viện về nội dung sửa đổi Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài một lần nữa để kiện Trung Quốc sau vụ dịch Covid-19.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục