Thủy điện đang thoái trào, điện khí lên ngôi: Cổ phiếu nào sẽ "tỏa sáng"?
Theo ông Nguyễn Hà Đức Tùng, chuyên viên phân tích của VnDirect, trong 2023 tăng trưởng tiêu thụ điện 6% so với cùng kỳ, thấp hơn 28% so với kịch bản thấp trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) do nhu cầu điện công nghiệp suy yếu. Tuy nhiên, mùa hè nền nhiệt cao sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ nhóm dân cư trong giai đoạn quý III/2023. Trong 2023, ông Tùng cho rằng tiêu thụ điện Việt Nam sẽ duy trì ở mức kịch bản cơ sở với tăng trưởng kép trung bình 8,4% theo QHĐ8.
Điện than: Huy động tích cực hơn bù đắp cho sự suy yếu của thủy điện
Chuyên gia phân tích của VnDirect cho rằng, nhóm nhiệt điện than, đặc biệt các nhà máy ở miền Bắc sẽ hưởng lợi lớn nhất trong đợt nắng nóng kéo dài và thủy văn kém thuận lợi, đặc biệt khi đây là khu vực thiếu điện.
Dữ liệu cho thấy, trong tháng 6/2023, công suất huy động điện than cải thiện đáng kể, đạt 84% tổng công suất trong tháng 6 vừa qua, hỗ trợ bởi nhu cầu tăng đột biến trong mùa hè cùng với sự thoái trào của thủy điện.
Trong năm 2023, hầu hết các nhà máy sẽ phải sử dụng tỷ trọng than trộn lớn. Mặc dù giá than nhập khẩu có xu hướng giảm từ mức đỉnh năm 2022, đây vẫn là mức cao hơn nhiều so với than giá than nội địa. Ông Nguyễn Hà Đức Tùng cho rằng, giá than sẽ neo ở mức này trong 2023 do nhu cầu hồi phục từ Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước này đang trong đà hồi phục.
"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ảnh hưởng giá sẽ không đáng kể trong bối cảnh miền Bắc rất thiếu nguồn điện và nhu cầu dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới", ông Tùng phân tích.
Dự kiến công suất điện than tăng trưởng kép 2% trong 2023-30, và lần lượt chiếm 19% và 4% tỉ trọng nguồn điện cả nước trong 2030 và 2050.
Một số dự án trọng điểm phía Bắc, cần được nhanh chóng đưa vào hoạt động để đảm bảo đủ điện cho khu vực miền Bắc như Quảng Trạch I, Vũng Áng II. Dự kiến trong quý IV/23 nhiệt điện Vân Phong I sẽ đi vào hoạt động, củng cố hệ thống điện quốc gia.
Điện khí: Nhu cầu điện phục hồi sẽ dần hấp thụ hết công suất dư thừa tại miền Nam trong 2023-2024
Từ quý II/2023, sản lượng điện khí sẽ được cải thiện trong bối cảnh sản lượng thủy điện thấp cũng như xu hướng tăng cường truyền tải điện từ Nam ra Bắc để hỗ trợ tình trạng thiếu điện.
Trong giai đoạn 2023-2024, VnDirect kỳ vọng tăng trưởng sản lượng điện khí tích cực hơn do: Tiêu thụ điện Việt Nam dự kiến tăng cao trở lại, trung bình 9% trong 2023- 30; Thủy điện bước vào pha El Nino kém tích cực, tạo dư địa lớn cho nhóm nhiệt điện; Tình trạng dư thừa nguồn cung ở miền Nam sẽ dần được hấp thụ bởi nhu cầu tăng nhanh trong bối cảnh tình trạng phát triển nguồn điện mới đang chậm lại; Nhu cầu điện hồi phục nhóm Công nghiệp – Xây dựng sẽ tác động tích cực lên tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc khi nền kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Theo ông Tùng, điện khí sẽ là thành mũi nhọn chính trong giai đoạn 2021-2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, mức tăng trưởng cao nhất trong số các nguồn điện chính và chiếm 27% tổng công suất nguồn điện cả nước. Từ giai đoạn 2030-50, phát triển điện khí sẽ chậm lại với tốc độ tăng trưởng kép đạt 4% và chiếm tổng 15% tỉ trọng nguồn vào năm 2050.
Thủy điện đã ra khỏi giai đoạn thuận lợi, nhường chỗ cho các nguồn điện khác
Theo EVN, mực nước thượng nguồn các sông và hồ chứa thủy điện trên toàn quốc đang ghi nhận giảm mạnh so với cùng kỳ, kéo theo việc huy động công suất thấp hơn. Thủy điện đã chính bước ra khỏi giai đoạn thời tiết thuận lợi, nhường chỗ cho các nguồn điện khác. Theo Viện Nghiên cứu Quốc tế (IRI), hiện tại đã chính thức chuyển sang giai đoạn El Nino từ ngày T5/23.
Về triển vọng phát triển công suất trong dài hạn, công suất thủy điện dự kiến tăng trưởng kép 1% trong 2021-50 do hiện tại về cơ bản Việt Nam đã khai thác gần hết tiềm năng của thủy điện, chỉ còn dư địa để phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ.
Năng lượng tái tạo (NLTT): Nút thắt chính sách vẫn chưa được tháo gỡ
Cập nhật đến ngày 16/6/2023, đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3791,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 55/59 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án. Có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 541,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới với mức giá tạm được tính bằng 50% giá trần khung giá chuyển tiếp.
Điện NLTT dự kiến sẽ là nguồn điện chính trong dài hạn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện năm 2050. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển tiếp theo vẫn đang giậm chân tại chỗ do chưa có cơ chế giá rõ ràng. Việt Nam dự kiến sẽ áp dụng cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho khoảng 1.000MW điện NLTT.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu cần có giải pháp đột phá để khuyến khích phát triển ĐMT áp mái phục vụ tự tiêu, cũng như hoàn thiện cơ chế đấu thầu. Mặc dù hiện tại vẫn chưa thể nhận định khi nào chính sách sẽ được ban hành, giai đoạn phát triển tiếp theo của NLTT đang dần được hình thành. VnDirect kỳ vọng vào một cơ chế cạnh tranh hơn, nhưng vẫn đủ hấp dẫn để khuyến khích nhà đầu tư tham gia.
Cổ phiếu ngành điện nên quan tâm
Theo chuyên gia của VnDirect, một số cổ phiếu ngành điện nên đưa vào danh mục theo dõi gồm POW, PC1, NT2, QTP, BCG, GEG.
Theo VnDirect, POW - doanh nghiệp điện khí hàng đầu sẽ được hưởng lợi từ xu hướng phát triển công suất điện khí mạnh mẽ theo những định hướng rõ ràng trong QHĐ8. Doanh nghiệp đang là chủ đầu tư của một trong những dự án trọng điểm, dự kiến sẽ là nhà máy điện khí sử dụng LNG đầu tiên tại Việt Nam - Nhơn Trạch 3&4 (1.600MW), đồng thời liên doanh đầu tư (30%) vào một dự án điện khí khác đó là LNG Quảng Ninh (1.500MW). Trong khi Nhơn Trạch 3&4 sẽ đi vào vận hành từ lần lượt Q4/24 và Q2/25, LNG Quảng Ninh sẽ triển khai trong giai đoạn 2025-30.
PC1: Có vị thế là nhà thầu EPC điện gió và xây lắp điện hàng đầu sẽ được hưởng lợi sớm nhất khi QHĐ8 được ban hành và các vướng mắc trong chính sách giá mới cho NLTT được tháo gỡ. Khối lượng công việc lớn trong QHĐ8 sẽ củng cố triển vọng nhóm xây lắp điện, đặc biệt sau khi miền Bắc trải qua tình trạng thiếu điện nghiêm trọng cũng như tình hình cắt giảm công suất tại miền Nam. Đây sẽ là những động lực để PC1 tiếp tục nâng tỷ lệ back-log ký mới trong tương lai.
Dự báo 2024 sẽ là giai đoạn ghi nhận tăng trưởng LN ròng tốt cho PC1, hỗ trợ bởi các hoạt động mở rộng kinh doanh ở nhiều ngành nghề, làm dày hơn hệ sinh thái của công ty bao gồm khai khoán Niken, Bất động sản KCN và BDS nhà ở. VnDirect kỳ vọng mức tăng trưởng kép EPS đạt 35% giai đoạn 2023-24 từ mức thấp 2022.
NT2: Trong 2023, NT2 sẽ có lịch đại tu. Dự báo doanh thu và LN ròng 2023 sẽ giảm 16% svck và 23% svck sau khi hồi phục 13% svck và 28% svck trong 2024. Luận điểm đầu tư đáng chú ý nhất của NT2 không hoàn toàn đến từ tăng trưởng LN mà bao gồm sức khỏe tài chính lành mạnh và nguồn cổ tức ổn định.
QTP: QTP đang khá giống với luận điểm đầu tư NT2, bao gồm nợ vay sắp hết và chính sách cổ tức ổn định. Hơn nữa, dự kiến Quảng Ninh 2 sẽ hết khấu hao từ 2024, hỗ trợ cải thiện biên LN của doanh nghiệp.
BCG: Dự báo doanh thu mảng điện của BCG sẽ đạt 1.186 tỷ đồng (+11% svck) trong năm 2023 và 1.643 tỷ đồng (+38% svck) trong năm 2024. Ngoài ra, BCG đang có danh mục khoảng 670 MW đang chờ cơ chế giá mới cho các dự án NLTT để tiếp tục triển khai.
GEG: Nằm trong nhóm những doanh nghiệp NLTT hàng đầu, với tổng công suất đạt 556MW, bao gồm 81MW thủy điện, 245MW điện mặt trời và 230MW điện gió.
Hơn nữa, GEG có cơ hội để cải thiện cấu trúc tài chính nhờ nhóm cổ đông lớn là những tập đoàn hàng đầu trong ngành bao gồm TEPCO - Nhật Bản và DEG - Đức. Doanh nghiệp tự tin có thể tiếp cận được các nguồn vốn xanh giá rẻ trong thời gian tới.