Tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đầu tư gì ở Vân Phong?
Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong cho biết Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) là đơn vị quan tâm đề xuất tham gia đầu tư vào KKT Vân Phong từ tháng 11-2017. Nhà đầu tư liên tục đề xuất tài trợ toàn bộ chi phí tư vấn thiết kế quy hoạch tổng thể khu vực Bắc Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh và đầu tư khu phi thuế quan tại KKT Vân Phong.
Chi 5 triệu USD làm quy hoạch
KKT Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha hồm 70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước, nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Lợi thế của KKT này là nằm ven biển, có cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu 200.000 DWT; giao thông thuận lợi nhờ nằm trên giao lộ Bắc Nam và Tây Nguyên; cảnh quan du lịch phong phú, đầy tiềm năng để có thể phát triển đa ngành, đa lĩnh vực gắn với kinh tế biển. Tuy nhiên, khu vực này từng có chủ trương xây dựng quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) nên chưa triển khai lập quy hoạch các khu chức năng để nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Do đó, nhiều khu vực chưa được định hướng quy hoạch, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa được quy hoạch. Hiện nay, Thủ tướng đã cho phép dừng làm đặc khu nên việc điều chỉnh quy hoạch chung của KKT Vân Phong đến năm 2030 là hết sức cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế.
Khu Kinh tế Vân Phong đang được đầu tư đường ven biển để đón các nhà đầu tư
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết KKT Vân Phong đã thu hút được 129 dự án với tổng vốn hơn 4,1 tỉ USD, trong đó số vốn thực hiện 1,15 tỉ USD (đạt 29%) tuy đạt được một số kết quả quan trọng nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển, KKT Vân Phong vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực; chưa đáp ứng được kỳ vọng trở thành đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước.
Trên cơ sở các chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận, UBND tỉnh và IPPG đã tiến hành trao đổi, thống nhất việc ký kết bản ghi nhớ về việc hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển KKT Vân Phong.
"Chúng tôi rất hoan nghênh IPPG đã đồng hành với tỉnh Khánh Hòa tài trợ khoảng 5 triệu USD để điều chỉnh quy hoạch cho KKT Vân Phong. Đây là điểm mới, trước mắt sẽ tạo được đà cho công tác quy hoạch, quản lý bài bản, từ đó có cơ sở vững chắc để thu hút đầu tư" - ông Tuân đánh giá.
Hy vọng thu hút nhiều tỉ phú
Điều dư luận quan tâm hiện nay là tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch HĐQT IPPG) sẽ thực hiện quy hoạch khu vực KKT Vân Phong như thế nào? Lý do vì sao lại tài trợ 5 triệu USD làm quy hoạch? Trả lời các thắc mắc này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh trước tiên là vì quê hương (ông nội của ông là người Ninh Hòa, mẹ ông là người Vạn Ninh). "Việc tài trợ lập quy hoạch này như một món quà tôi dành tặng quê hương. Nếu dùng ngân sách tỉnh bỏ ra làm quy hoạch sẽ rất lâu mới xong, như vậy sẽ lỡ nhịp phát triển của Vân Phong" - vị tỉ phú chia sẻ.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPPG đã có bước chuẩn bị từ mấy năm trước nên thời gian quy hoạch sẽ kết thúc sớm vào năm 2021 để trình Chính phủ thông qua và nhanh nhất trong năm 2022, Khánh Hòa có thể đưa ra đấu thầu các dự án. Đơn vị thực hiện quy hoạch chủ chốt là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - VIUP (Bộ Xây dựng) và các đối tác tư vấn là KPMG và Boston Consultanting Group (BCG) - những đơn vị giàu kinh nghiệm của thế giới.
Về ý tưởng, tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết khu vực này sẽ hình thành các khu casino, khu mua sắm, khu khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp, khu giải trí, cơ sở thể dục - thể thao... Ngoài ra, còn có các khu dân cư và công nghiệp, cơ sở hạ tầng năng lượng công nghệ thông tin, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, viễn thông, khu vực cảng trung chuyển, vận tải hàng hải, vận tải hành khách, bến đỗ cho các tàu du lịch quốc tế... Hiện nay, IPPG đang hướng đến đầu tư Airport city, tuy mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới đã làm cách đây 20 năm, đến nay có 80 Airport city.
Theo "vua hàng hiệu" này, IPPG có lợi thế là mối quan hệ mật thiết với 108 thương hiệu hàng đầu trên thế giới mà phía sau là 108 tỉ phú. Do đó, trong quy hoạch, IPPG dự kiến dành khoảng 1.000 ha đất ở để làm khu phi thuế quan, đô thị và vui chơi giải trí... Khu phi thuế quan không phải thất thu thuế mà có thể kéo hàng trăm triệu du khách đến đây để mua sắm, vui chơi giải trí.
"Quy hoạch này sẽ gắn liền với khu vực Nam Phú Yên để phát huy lợi thế kinh tế vùng cũng như 2 sân bay chủ lực là Cam Ranh và Tuy Hòa. Mỗi sân bay dự kiến nâng công suất lên 20 triệu lượt khách. Như vậy, chúng ta sẽ gói gọn trong 40 triệu lượt khách. Hàng không đã ăn vào máu tôi rồi nên tôi có thể định lượng được việc phát triển của ngành này như thế nào" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn quả quyết.
Dự kiến 60 tỉ USD đầu tư vào Vân Phong
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định IPPG không xin giao đất mà chỉ xin được làm quy hoạch KKT Vân Phong. Tỉnh Khánh Hòa sẽ kêu gọi đầu tư qua hình thức đấu thầu và IPPG sẽ tham gia như các nhà đầu tư khác. IPPG sẽ không vào các dự án trái với chuyên môn, thế mạnh. Trước đây, IPPG dự kiến sẽ thu hút khoảng 40 tỉ USD từ các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới nhưng đến nay có tới 200 đơn vị đăng ký nghiên cứu, dự kiến sau khi quy hoạch hoàn thành sẽ thu hút khoảng 60 tỉ USD vốn đầu tư.