Tiền kỹ thuật số Libra của ông chủ Facebook bị quan chức ngân hàng Châu Âu "vùi dập"

02/09/2019 17:55 GMT+7
“Một khi Libra được chấp thuận giao dịch tại Châu Âu với tỷ giá tham chiếu nhất định, nó có thể làm suy yếu sự kiểm soát của ECB với đồng EUR, đồng thời giảm tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế thông qua ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu."

Ông Yves Mersch, Thành viên ban lãnh đạo Ngân hàng Châu Âu ECB hôm 2/9 đưa ra cảnh báo rằng đồng tiền kỹ thuật số Libra mà Facebook đề xuất có khả năng làm suy yếu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Châu Âu nói riêng và hệ thống tài chính toàn cầu nói chung. Ông kêu gọi ECB không nên bỏ qua những cảnh báo về “lời hứa ngớ ngẩn” của Facebook liên quan đến sự "an toàn, bảo mật, tiện lợi" của loại tiền tệ này.

Hôm 18/6, Facebook của ôngMark Zuckerberg bất ngờ công bố kế hoạch ra mắt loại tiền kỹ thuật số mang tên Libra. Libra dự kiến phát hành vào đầu năm 2020 với 28 đối tác lớn trên thế giới tạo thành Hội đồng Libra chịu trách nhiệm điều hành loại tiền tệ này. Cộng đồng gần 2 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới của Facebook sẽ là đối tượng sử dụng đồng Libra như một công cụ thanh toán vượt biên giới quốc gia.

28 đối tác trong Hội đồng Libra của Facebook

Khác với các loại tiền điện tử khác như bitcoin, Libra thực chất giống với phiên bản kỹ thuật số của bất kỳ một loại tiền tệ nào như USD, JPY hay EUR. Tức là nó chỉ được phát hành dựa trên một lượng tài sản đảm bảo thực tế, và được chuyển đổi dễ dàng thành tiền pháp định với tỷ giá nhất định.

“Một khi Libra được chấp thuận giao dịch tại Châu Âu với tỷ giá tham chiếu nhất định, nó có thể làm suy yếu sự kiểm soát của ECB với đồng EUR, đồng thời giảm tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế thông qua ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Libra cũng đặt ra mối quan ngại làm suy yếu các đồng tiền tệ quốc gia trong vai trò giao dịch quốc tế một khi được chấp nhận trên toàn cầu”, ông Yves Mersch nhận định.

Thành viên Ban lãnh đạo ngân hàng Châu Âu còn đặt ra mối quan ngại về bảo mật dữ liệu cá nhân cũng như hàng loạt rủi ro khác về an ninh tiền tệ mà đồng Libra mang đến với cộng đồng người dùng lên đến 2 tỷ dân phân bố rộng khắp thế giới.

“Trước những đe dọa này, các cơ quan quản lý Châu Âu cần nhanh chóng thể hiện quyền tài phán với Libra để giảm thiểu những rủi ro mà nó mang lại cho hệ thống tài chính toàn cầu. Tôi thật sự hy vọng người dân Châu Âu sẽ có những giao dịch an toàn qua các kênh thanh toán sẵn có thay vì mạo hiểm ủng hộ Libra và “lời hứa ngớ ngẩn” của Facebook”. 

Kể từ khi tuyên bố kế hoạch ra mắt đến nay, đồng Libra của Facebook đã liên tục vướng phải sự chỉ trích của hàng loạt tổ chức tài chính, Chính phủ trên thế giới do tính bảo mật, cơ chế hoạt động và mối đe dọa đến các đồng tiền tệ fiat. Nguyên nhân chính là bởi cộng đồng người dùng lên tới xấp xỉ 2 tỷ dân mà Facebook đang sở hữu, chiếm tới khoảng 1/4 dân số thế giới nhiều khả năng sẽ đưa đồng Libra lên vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu. Khi đó, Facebook không chỉ là ông lớn công nghệ, độc quyền trong lĩnh vực mạng xã hội mà còn trở thành thế lực kiểm soát hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế với vị thế lớn hơn cả Cục dự trữ Liên bang FED hiện nay.

Tại chính quê nhà Mỹ, Facebook đã phải điều trần trước Thượng viện, Hạ viện và chịu sự chỉ trích gay gắt về những rủi ro mà đồng Libra có thể mang tới, như nguy cơ rửa tiền phi pháp, trở thành công cụ thanh toán cho tổ chức tội phạm xuyên biên giới, quyền bảo mật người dùng, sự đe dọa thị trường tiền tệ.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang FED Jerome Powell đã đích thân lên kế hoạch phối hợp với các ngân hàng Trung Ương quốc tế để thành lập hội đồng giám sát, đánh giá dự án tiền Libra cũng như các rủi ro liên quan trước khi cho phép Facebook phát hành loại tiền kỹ thuật số này. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì phũ phàng tuyên bố “Tiền Libra của Facebook sẽ không có chỗ đứng cũng như độ tin cậy…Tại Mỹ, chúng ta chỉ có một đồng tiền thật duy nhất đang ngày một lớn mạnh, loại tiền đang thống trị thế giới và sẽ luôn như vậy. Đó là đồng USD”.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục