Tiêu thụ thịt lợn của người Việt ngày càng giảm?

12/06/2022 16:31 GMT+7
Năm 2018, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ trung bình 31,4kg thịt lợn, đến năm 2022 mức tiêu thụ giảm còn 23,5kg.

Năm 2022, mỗi người Việt tiêu thụ 23,5kg thịt lợn

Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos vừa công bố kết quả nghiên cứu về thị trường lợn Việt Nam năm 2022 cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn của người Việt Nam ít hơn so với 5-6 năm trước.

Năm 2018, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ trung bình 31,4kg thịt lợn, đến năm 2022 mức tiêu thụ giảm còn 23,5kg.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, lượng tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tăng trưởng nổi bật nhất, tăng 8,5%/năm. Năm 2020, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ bình quân gần 17kg thịt gia cầm. Dự báo năm 2022, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 20kg. Bên cạnh đó, tiêu thụ hải sản, thịt bò tăng trưởng nhẹ.

Như vậy, gần 8kg thịt đáng lẽ phải tiêu thụ cho thịt lợn đã được người tiêu dùng chuyển sang hải sản, thịt gia cầm và thịt bò.

Tiêu thụ thịt lợn của người Việt ngày càng giảm? - Ảnh 1.

Năm 2022, mỗi người Việt tiêu thụ 23,5kg thịt lợn.

Theo đại diện Ipsos dù thịt lợn là thực phẩm truyền thống, gắn bó lâu đời trong văn hoá ẩm thực của người Việt nhưng gia cầm, hải sản, thịt bò dần được người Việt ưa chuộng hơn.

Theo tính toán của Ipsos, đến cuối tháng 4/2022 lượng thịt lợn tiêu thụ trên đầu người đạt 24kg nhưng thực tế chỉ đạt 23,5kg/người. Trong khi lượng tiêu thụ thịt gia cầm, đứng đầu là thịt gà mỗi năm ở Việt Nam tăng trưởng ổn định.

Được biết, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi, ước tính tổng đàn lợn của cả nước đến cuối tháng 5/2022 ước tính tăng 5,7% so với năm 2021; tổng số trâu của cả nước giảm 1,5%; tổng số bò tăng 1,6%; đàn gia cầm tăng khoảng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt trong thời gian qua, khiến tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp, trang trại khởi sắc, đặc biệt là các đơn vị chủ động được nguồn con giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học.

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao là một trở ngại lớn đối với ngành chăn nuôi. Trong 5 tháng đầu năm, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã có nhiều đợt điều chỉnh tăng giá. Giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến chi phí sản xuất cũng tăng cao trong khi giá bán sản phẩm không thay đổi nhiều, điều này đặc biệt gây áp lực cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Thời gian tới, giá lợn hơi dự báo sẽ dao động quanh mức 60.000 đồng/kg, do bất lợi của thời tiết, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn giảm do nắng nóng. Ngoài ra, dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vẫn hạn chế với các hoạt động ăn uống ngoài gia đình nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh. 

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 182,7 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 407,47 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 28,5% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước, với 52,11 nghìn tấn, trị giá 159,7 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Mặc dù nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng Việt Nam vẫn đẩy mạnh nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ một số thị trường như: Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha…; trong khi giảm nhập khẩu từ một số thị trường như: Hoa Kỳ, Nga, Canada, Úc… 


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục