Nhu cầu đối với thịt lợn của Trung Quốc ảm đạm

08/06/2022 09:24 GMT+7
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong năm nay được dự báo giảm gần 20% và đẩy thương mại toàn cầu xuống mức thấp hơn.

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc lao dốc 

Tại Trung Quốc, giá lợn hơi đã phục hồi sau thời gian dài lao dốc. Tuy nhiên thị trường vẫn phải đối mặt với những hạn chế, gồm cả các lệnh phong tỏa chống Covid-19. Nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động vận chuyển bị gián đoạn do lệnh phong toả kéo dài ở Thượng Hải. 

Nhu cầu đối với thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc đã sụt giảm từ đầu năm 2022 đến nay do người chăn nuôi lợn Trung Quốc gia tăng sản lượng sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (ASF). Theo công ty môi giới Everbright Futures, triển vọng nhu cầu đối với thịt lợn của Trung Quốc vẫn khá ảm đạm vì các biện pháp phong toả chống Covid-19 và sự chuyển đổi tiêu thụ sang thịt gia cầm. 

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ vẫn yếu. Nếu thị trường cải thiện hơn trong quý III/2022, nhu cầu nhập khẩu thịt và ngũ cốc sẽ tăng lên. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong năm nay được dự báo giảm gần 20% và đẩy thương mại toàn cầu xuống mức thấp hơn. Trong khi đó, nhu cầu của các nước nhập khẩu lớn khác có sự phục hồi sau thời gian gián đoạn nguồn cung cấp liên quan đến đại dịch. 

Nhu cầu đối với thịt lợn của Trung Quốc ảm đạm - Ảnh 1.

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong năm nay được dự báo giảm gần 20% và đẩy thương mại toàn cầu xuống mức thấp hơn.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 4/2022, Trung Quốc nhập khẩu 592 nghìn tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 2,34 tỷ USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 1,3% về trị giá so với tháng 3/2022; so với tháng 4/2021 giảm 35,7% về lượng và giảm 21% về trị giá. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,26 triệu tấn thịt, trị giá 8,78 tỷ USD, giảm 36,3% về lượng và giảm 22,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Argentina và Đan Mạch. 

Tháng 4/2022, Trung Quốc cũng nhập khẩu 190 nghìn tấn thịt trâu, bò (mã HS 0201, 0202), với trị giá 1,25 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 39,2% về trị giá so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh của Trung Quốc đạt 700 nghìn tấn, trị giá 4,5 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng, nhưng tăng 19,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Urugoay, Argentina và Úc... Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022, chiếm 30,1% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc. 

Thịt gia cầm: Tháng 4/2022, kim ngạch nhập khẩu thịt gia cầm (mã HS 0207) của Trung Quốc đạt 318,41 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng 3/2022 và tăng 16,8% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt gia cầm của Trung Quốc đạt 1,18 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Nga, Thái Lan và Argentina... Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt gia cầm cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022, chiếm 38,5% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt gia cầm của Trung Quốc, với 455,37 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thịt gia cầm từ Hoa Kỳ, Nga, Argentina, Belarus…; trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan. 

Về thịt lợn: Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc liên tục giảm mạnh từ đầu năm 2022 đến nay. Tháng 4/2022, Trung Quốc nhập khẩu 140 nghìn tấn thịt lợn, trị giá 271,37 triệu USD, giảm 67,6% về lượng và 77,2% về trị giá so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 560 nghìn tấn thịt lợn, trị giá 1,1 tỷ USD, giảm 64,8% về lượng và giảm 75% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Canada, Hà Lan, Pháp, Anh, Chi lê... Đáng chú ý, nhập khẩu thịt lợn từ các thị trường này đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường cung cấp thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 31,7% tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 268,36 triệu USD, giảm 75,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 4,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 18,18 triệu USD, giảm 33,1% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc... giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 20 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 53,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt sang thị trường Hồng Kông đạt 1,77 nghìn tấn, trị giá 9,74 triệu USD, giảm 62% về lượng và giảm 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn nguyên con đông lạnh, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con.

Hàng loạt thị trường chủ chốt khó khăn, xuất khẩu thịt của Việt Nam sụt giảm mạnh - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu trong 4 tháng đầu năm 2022 gồm các chủng loại như: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh... 

Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 2,18 nghìn tấn, trị giá 11,05 triệu USD, tăng 42,7% về lượng, nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào. 


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục