Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022

08/05/2022 16:41 GMT+7
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022. Theo đó, tiêu thụ thịt lợn tại Việt Nam dự báo sẽ đạt 3,4 triệu tấn vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022- 2030.

Thương mại thịt lợn toàn cầu sụt giảm mạnh

Trong quý I/2022, giá lợn nạc tại Chicago Hoa Kỳ có xu hướng tăng so với cuối năm 2021 do nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn có xu hướng giảm. Tuy nhiên, giá lợn giảm trở lại kể từ cuối tháng 3/2022 đến nay do nhu cầu của Trung Quốc giảm. 

Xu hướng giảm tiếp tục diễn ra trong nửa cuối tháng 4/2022. Ngày 28/4/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao tháng 5/2022 dao động ở mức 104 UScent/lb, giảm 8,3% so với cuối tháng 3/2022 và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022 - Ảnh 1.

Ngân hàng Rabobank dự báo thương mại thịt lợn toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh trong năm 2022, trong khi nhu cầu tiêu dùng diễn biến trái chiều tại một số khu vực.

Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022 - Ảnh 2.

Nguồn: cmegroup.com

Trong quý I/2022, xung đột vũ trang giữa Nga với Ukraine đã làm trầm trọng hơn sự gián đoạn chuỗi cung ứng, dịch vụ vận tải và giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, theo đó kéo chi phí sản xuất tăng cao hơn, ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi lợn tại nhiều quốc gia, cũng như lợi nhuận của nhà sản xuất. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2022. 

Trong quý I/2022, sản lượng lợn hơi và lợn nái giống của Trung Quốc đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng lợn hơi của Trung Quốc đạt 422,53 triệu con, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó bao gồm 41,85 triệu con lợn nái giống); sản lượng thịt lợn, thịt bò, thịt cừu và gia cầm của Trung Quốc đạt 23,95 triệu tấn, tăng 8,8%; trong đó sản lượng thịt lợn đạt 15,61 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. 

Nguồn cung lợn của Trung Quốc tăng mạnh đã hạn chế nhu cầu với hàng nhập khẩu. Trong quý I/2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,66 triệu tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 6,43 tỷ USD, giảm 36,5% về lượng và giảm 23,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 420 nghìn tấn thịt lợn, trị giá 847,82 triệu USD, giảm 63,8% về lượng và giảm 73,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Canada, Hà Lan, Pháp, Anh, Chi Lê... Đáng chú ý, nhập khẩu thịt lợn từ các thị trường này đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng thị trường thịt lợn, Ngân hàng Rabobank dự báo thương mại thịt lợn toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh trong năm 2022, trong khi nhu cầu tiêu dùng diễn biến trái chiều tại một số khu vực. Rabobank dự đoán các hộ chăn nuôi lợn sẽ vẫn khó khăn trong năm 2022 khi chi phí thức ăn, năng lượng, giá vận chuyển, dịch bệnh và chi phí lao động sẽ tiếp tục tăng. Tăng trưởng sản xuất thịt lợn cũng như thương mại thịt lợn toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Các nhà sản xuất sẽ tập trung vào chất lượng, hạn chế tăng đàn lợn và dự kiến sẽ giảm ở các khu vực như Anh, Đức và các nước khu vực Đông Nam Á. 

Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn diễn biến trái chiều tại một số khu vực. Tại Hoa Kỳ và Hàn Quốc, tiêu thụ thịt lợn dự báo vẫn tăng mạnh do các hạn chế để phòng chống đại dịch đã được dỡ bỏ. Trong khi tiêu thụ tại Trung Quốc, Nhật Bản và Mehico giảm do các nước này vẫn đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế yếu hơn. Xuất khẩu thịt lợn trong 6 tháng đầu năm 2022 toàn cầu có thể sẽ tiếp tục giảm vì các nước nhập khẩu vẫn thận trọng do kinh tế toàn cầu suy yếu...

Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn

Trong quý I/2022, giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng trở lại, trong đó tăng mạnh nhất là vào cuối tháng 01/2022 và trong 15 ngày đầu tháng 02/2022 do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giá giảm trở lại từ giữa tháng 02/2022 do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng. Trong tháng 4/2022, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy, nên giá lợn hơi tăng nhẹ trở lại tại một số khu vực. Giá lợn hơi trên cả nước tháng 4 trung bình dao động trong khoảng 53.000-58.000 đồng/kg, tăng 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2022. 

Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022 - Ảnh 3.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong quý II/2022 dự báo vẫn chậm.

Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022 - Ảnh 4.

Nguồn: Trung tâm Công nghiệp và thương mại tổng hợp

Giá lợn hơi hôm nay ngày 7/5, trên 2 miền Bắc - Nam biến động tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, trong khi miền Trung đi ngang so với hôm qua. Hiện giá lợn hơi được thu mua trong khoảng 54.000 - 60.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc biến động 1.000 - 2.000 đồng/kg và đang dao động trong khoảng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên giá lợn hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 57.000 đồng/kg.

Các địa phương như Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Bình, Bắc Giang giá lợn hơi đi ngang, hiện được thu mua với mức 55.000 - 56.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định giá lợn hơi ở mức 54.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên đi ngang so với hôm qua và đang dao động trong khoảng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại tỉnh Quảng Trị giá lợn hơi được thu mua với mức cao nhất toàn miền 57.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, hừa Thiên Huế, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận giá lợn hơi ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg. Tại tỉnh Hà Tĩnh giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền 54.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại tỉnh An Giang giá lợn hơi tăng 2.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg, đây là địa phương cao nhất cả nước. Tại tỉnh Kiên Giang giá lợn hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg. Ngược lại, giá lợn hơi tại tỉnh Long An, Hậu Giang, Cà Mau lại giảm 1.000 đồng/kg xuống 56.000 đồng/kg.

Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu giá lợn hơi ở mức 56.000 - 57.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ giá lợn hơi được thu mua với mức 55.000 đồng/kg.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thức ăn chiếm tới 65 - 70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc dùng thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm.

Các cơ quan chức năng nhận định, thời gian tới, khả năng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi và giá xăng dầu ở mức cao, nhưng khó có thể tăng đột biến do các trường học sẽ bước vào kỳ nghỉ hè, các nhà hàng, quán ăn cũng đều đang giữ mức trung bình và chưa phục hồi như thời gian trước. 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022. Theo đó, tiêu thụ thịt lợn tại Việt Nam dự báo đạt 3,4 triệu tấn vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022- 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, sản lượng thịt gia súc và gia cầm trong quý II/2022 đạt khoảng 1.665,1 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 110 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng thịt trâu đạt khoảng 28,1 nghìn tấn, tăng 2,6%; sản lượng thịt lợn đạt khoảng 1.051 nghìn tấn, tăng 4,7%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 476 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. Về tiêu thụ, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong quý II/2022 dự báo vẫn chậm.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục