Toàn bộ quy định về bảo hiểm xe máy người dân nên biết

09/10/2020 20:00 GMT+7
Mặc dù bảo hiểm xe máy được nhắc đến rất nhiều trong đời sống hằng ngày nhưng không phải ai cũng nắm rõ các vấn đề xung quanh loại bảo hiểm này. Dưới đây là toàn bộ quy định người dân cần biết về bảo hiểm xe máy.

Bảo hiểm xe máy có mấy loại?

Theo quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC, chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, chủ xe cơ giới có thể thoả thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện.

Như vậy, hiện nay bảo hiểm xe máy có 02 loại:

- Bảo hiểm xe máy bắt buộc;

- Bảo hiểm xe máy tự nguyện.

Toàn bộ quy định người dân cần biết về bảo hiểm xe máy - Ảnh 1.

Theo đúng tinh thần "tự nguyện", chủ xe máy không mua bảo hiểm tự nguyện không bị phạt. Nhưng nếu không có bảo hiểm xe máy bắt buộc, khi bị lực lương chức năng kiểm tra, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt.

Bảo hiểm xe máy giá bao nhiêu?

Hiện nay, mức phí bảo hiểm xe máy bắt buộc (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của phương tiện) được quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC. Mức phí bảo hiểm của xe máy là 55.000 đồng (dưới 50cc) và 60.000 đồng (trên 50cc) (chưa bao gồm 10% VAT).

Còn bảo hiểm xe máy tự nguyện giá bao nhiêu phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm giữa người dân và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Mua bảo hiểm xe máy, chủ xe nhận được quyền lợi gì?

Theo Thông tư 22, nguyên tắc bồi thường của bảo hiểm xe máy bắt buộc đó là: Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.

Mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người được xác định theo Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về người theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BTC hoặc theo thoả thuận (nếu có) giữa chủ xe cơ giới và người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục 6.

Trường hợp có quyết định của Toà án thì căn cứ vào quyết định của Toà án nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư 22.

Hiện nay, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/01 người/01 vụ tai nạn.

Còn với bảo hiểm xe máy tự nguyện, chủ xe nhận được quyền lợi gì cũng phụ thuộc vào nội dung hợp đồng, thỏa thuận giữa bên bán bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Người mua có thể lựa chọn bảo hiểm cho chủ xe hoặc bảo hiểm cho chính chiếc xe... Trong khi đó, bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ chi trả cho bên thứ 03 bị thiệt hại (không phải chủ xe).

Xe máy không mua bảo hiểm có bị phạt?

Theo đúng tinh thần "tự nguyện", chủ xe máy không mua bảo hiểm tự nguyện không bị phạt. Nhưng nếu không có bảo hiểm xe máy bắt buộc, khi bị lực lương chức năng kiểm tra, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt.

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Có thể thấy, mức phạt này cao hơn nhiều so với giá bảo hiểm xe máy bắt buộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về việc mua bảo hiểm bắt buộc cho xe máy.

A.Vũ
Cùng chuyên mục