Tới cuối năm 2024, Cổ đông FECON (FCN) mới có thể nhận toàn bộ cổ tức năm 2022
Cụ thể, FECON chuẩn bị trả cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 1% (tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận 100 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là vào ngày 27/2 - ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là 26/2/2024.
Với hơn 157,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, FECON dự kiến chi khoảng 15,7 tỷ đồng để thực hiện thanh toán cổ tức đợt 1 này. Ngày thanh toán dự kiến vào ngày 29/3/2024.
Cũng trong nghị quyết, FECON đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 5%. Nguồn trả sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế của Công ty. Sau khi hoàn thành xong việc chi trả đợt 1 này, FECON dự kiến sẽ thực hiện trả nốt 4% còn lại vào tháng 12/2024.
Trong cơ cấu cổ đông, CTCP Raito Kogyo và Qũy Đầu tư Hạ tầng Red One đang là hai cổ đông lớn nhất, nắm giữ lần lượt 25,51% và 10,16% vốn tại FCN, ước tính sẽ thu về lần lượt 4 tỷ và gần 1,6 tỷ đồng cho lần thanh toán cổ tức đầu tiên này.
Nhiều chỉ số biến động đáng kể, FECON lần đầu thua lỗ sau 15 năm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.049 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 891,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp công ty thu về đạt 157,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ 60,3 tỷ đồng, tức tăng tới 161%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 130,6 tỷ đồng còn âm 259,2 triệu đồng; chi phí tài chính cũng tăng từ 72,08 tỷ đồng lên 101,6 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế báo lỗ hơn 44 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 49,6 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2023, doanh thu thuần của FECON đạt hơn 2.879 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 42 tỷ đồng, năm trước lãi gần 52 tỷ đồng. Đây cũng là năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của doanh nghiệp ngành xây dựng này kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức hơn 8.773 tỷ đồng, tăng gần 16% so với hồi đầu năm. Trong đó, biến động lớn nhất là khoản tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận hơn 700 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần hồi đầu năm. Khoản trả trước cho người bán ngắn hạn 676 tỷ đồng, tăng thêm 440 tỷ đồng. Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh gấp đôi đầu năm, lên 329 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của FCN ghi nhận hơn 5.413 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với đều năm, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 4.390 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/2, giá cổ phiếu FCN tăng 0,68% so với phiên giao dịch liền kề, hiện đang ở mức 14.700 đồng/cổ phiếu.