Tổng phương tiện thanh toán vượt 10 triệu tỷ đồng sau 9 tháng

29/11/2019 10:22 GMT+7
Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tính đến tháng 9/2019 chính thức vượt 10 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán chỉ còn 11,22% - thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Số liệu của NHNN cho thấy tính đến cuối tháng 9, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 10,08 triệu tỷ đồng, tăng 9,46% so với cuối năm 2018.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt gần 3,65 triệu tỷ đồng, tăng 9,23% so với cuối năm 2018 và chiếm 36% tổng phương tiền thanh toán. Tiền gửi của dân cư đạt 4,77 triệu tỷ đồng tăng 9,02% và chiếm 47%.

Riêng trong tháng 9, tổng phương tiện thanh toán đã tăng thêm gần 135.000 tỷ đồng, tương đương tăng 1,36%. Trong đó, số tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng gần 110.000 tỷ đồng, tăng 3,1%. Dù vậy, đây không phải là kỷ lục của năm bởi hồi tháng 5, đã có tới gần 140.000 tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đổ vào hệ thống ngân hàng.

Nếu chỉ tính lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế chỉ riêng trong hai tháng 5 và 9 đã chiếm tới trên 80% tổng tăng trưởng tiền gửi của nhóm này vào hệ thống ngân hàng.

Tổng phương tiện thanh toán vượt 10 triệu tỷ đồng sau 9 tháng - Ảnh 1.

Việc tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vượt tăng trưởng tiền gửi của dân cư sau 9 tháng là một diễn biến đáng chú ý, bởi 8 tháng trước đó, tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đều kém xa so với tiền gửi dân cư.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, tổng số tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống TCTD giảm 1,62% tương đương với mức giảm hơn 54.200 tỷ đồng xuống còn 3,29 triệu tỷ. Trong khi, tiền gửi của dân cư vẫn tăng 5,98% đạt 4,64 triệu tỷ.

Kể từ tháng 5/2019, khoảng cách giữa hai mức tăng trưởng tiền gửi dân cư và tổ chức bắt đầu thu hẹp, tuy nhiên cho đến tháng 8, mức chênh lệch vẫn khá lớn khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 5,96%, trong khi tiền gửi dân cư tăng tới 8,39%.

Nhờ sự bứt phá mạnh trong tháng 9 đã giúp tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã vượt tăng trưởng tiền gửi dân cư, 9,23% so với 9,02%.

Tổng phương tiện thanh toán vượt 10 triệu tỷ đồng sau 9 tháng - Ảnh 2.

Báo cáo của NHNN cũng cho thấy, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiền thanh toán tính đến tháng 9/2019 là 11,22%, giảm từ mức 11,64% của tháng 8 và cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Như vậy, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, từ 19,02% năm 2005 xuống 14,02% năm 2010, 11,49 % (2016) và đến thởi điểm tháng 9/2019 xuống còn 11,22%.

Điều này cho thấy, nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã có chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thay cho thanh toán bằng tiền mặt.

Tổng phương tiện thanh toán vượt 10 triệu tỷ đồng sau 9 tháng - Ảnh 3.

Theo giới chuyên gia, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10% theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành là hoàn toàn khả thi

Lê Thúy
Cùng chuyên mục