Tràn lan tin đồn, NĐT quay lưng, phải làm gì để lấy lại niềm tin?

05/11/2022 13:17 GMT+7
Thị trường trầm lắng, tràn lan tin đồn thất thiệt khiến nhà đầu tư quay lưng, vậy phải làm gì để khôi phục niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Coi trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm tiết kiệm dẫn đến sai lầm trong chọn danh mục

Tại Talkshow Chọn Danh mục do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hoạt, Chuyên gia từ công ty chứng khoán TCBS cho biết, thị trường trái phiếu trên các nước rất phát triển, là kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Tại Thái Lan, số dư nợ trên trái phiếu là hơn 25%, ở Singapore là 37% và Malaysia là 57%.

Bà Hoạt cũng khẳng định, thị trường trái phiếu là xu thế tất yếu và Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng này.

Theo vị chuyên gia này, thời gian qua kinh tế phát triển rất mạnh dẫn đến nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn. Nếu chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại thì sẽ là gánh nnếu chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại thì sẽ là gánh nặng, do đó, cần thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển.

Tràn lan tin đồn, NĐT quay lưng, phải làm gì để củng cố niềm tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hoạt - Chuyên gia từ công ty chứng khoán TCBS. Ảnh Báo Đầu tư

Song theo chuyên gia TCBS, do thị trường trái phiếu vẫn còn non trẻ nên có hiện tượng tổ chức phát hành chạy đua về khối lượng phát hành, lãi suất, dẫn đến số lượng cổ phiếu phát hành tăng nhưng không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa có kinh nghiệm, thậm chí có người còn cho trái phiếu doanh nghiệp là một sản phẩm tiết kiệm và lựa chọn trái phiếu dựa trên lãi suất, đã dẫn đến những sai lầm trong lựa chọn danh mục đầu tư. Thị trường cũng xảy ra một số vi phạm về phát hành trái phiếu khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.

Qua những sự kiện đó, nhà đầu tư đã nhận ra, không phải lãi suất cao là tốt. Họ đã biết phân tích thị trường, hướng sự quan tâm đến vấn đề thanh khoản và trạng thái tài chính của mình để đảm bảo tính thanh khoản.

Tuy nhiên, khi đối mặt với nhiều luồng thông tin khác nhau trên thị trường, ngoài việc hết sức tránh hiệu ứng tâm lý đám đông, nhà đầu tư cần nâng trình độ phân tích đánh giá thị trường, tránh bị cuốn theo tin đồn vô căn cứ.

Đa dạng hóa trái phiếu doanh nghiệp đang bị hạn chế?

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nêu quan điểm, trái phiếu doanh nghiệp là kênh tài chính trụ cột, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng quá nhiều, gây ra rủi ro, thậm chí là rủi ro hệ thống nếu không phát triển đồng đều các thị trường khác, như chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. 

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bùng nổ, đáp ứng được nhu cầu của nhà phát hành, nhà đầu tư có tổ chức hay nhỏ lẻ. Hành lang pháp lý trong lĩnh vực này cũng nhanh chóng hoàn thiện. Năm 2021, nghị định 153 về trái phiếu phát hành riêng lẻ mới ra đời nhưng đứng trước những biến động phát sinh trong năm 2022, Chính phủ đã có Nghị định 65 để điều chỉnh những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này, theo hướng lành mạnh hóa thị trường.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng nhận định, mặc dù thị trường nhiều biến động nhưng không xảy ra đối với tất cả các loại trái phiếu doanh nghiệp, mà có sự phân hóa đối với những trái phiếu phát hành riêng lẻ của các tổ chức uy tín thông qua tổ chức phân phối chuyên nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp vẫn hấp dẫn khi nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro, cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận thu được. Đây là căn cứ giúp thị trường phát triển trong tương lai.

Ngoài ra, những thiếu sót trong việc phân biệt và quản lý hai loại trái phiếu cơ bản đang dẫn đến những kết quả đáng tiếc. Theo TS. Vũ Đình Ánh, dường như Việt Nam đang có xu hướng thắt chặt chung bằng các quy định dẫn đến việc đa dạng hóa trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế.

Tràn lan tin đồn, NĐT quay lưng, phải làm gì để củng cố niềm tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 2.

Các chuyên gia tham dự Talkshow Chọn Danh mục.

Trong khi đó, trái phiếu phát hành ra công chúng đã được quy định chặt chẽ trong Luật chứng khoán và các văn bản có liên quan, có cơ sở pháp lý, thể chế rõ ràng. Về cơ bản, đây là loại trái phiếu có độ tin cậy cao tương tự như là các loại hàng hóa khác trên thị trường, hoạt động dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Còn lại, vấn đề cần quan tâm là những rủi ro phát sinh liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, hiện đang chiếm tỷ trọng lớn, bao gồm nhiều loại trái phiếu với các mức độ rủi ro khác nhau và cần thiết phải có cơ sở ứng xử linh hoạt theo thông lệ quốc tế.

"Ví dụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có rất nhiều loại khác nhau, với các mức độ rủi ro khác nhau, tuy nhiên Việt Namdường như đang có xu hướng thắt chặt lại quy định này khiến sự đa dạng hoá của trái phiếu doanh nghiêp phát hành riêng lẻ bị hạn chế. Trong thời gian tới cần quay trở lại phát hành trái phiếu riêng lẻ theo các thông lệ quốc tế", ông Ánh bày tỏ quan điểm.

Làm thế nào để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư?

Theo ông Ánh, để khôi phục niềm tin bền vững cho nhà đầu tư, cần nhiều biện pháp hơn nữa đến từ cơ quan quản lý. TS. Vũ Đình Ánh đề xuất tạo quỹ để xử lý các vấn đề trước mắt liên quan đến thị trường trái phiếu để giữ vững ổn định thị trường trước các biến cố. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ mối quan hệ phát hành giữa các công ty mẹ, công ty con. Nghị định 65 đã ban hành có xu hướng siết chặt hơn đối với việc phát hành, phân phối trung gian cũng như cả nhà đầu tư, tuy có ý nghĩa nhiều trong trung và dài hạn nhưng sẽ gây khó khăn cho thị trường trong việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn như đáo hạn trái phiếu hay rút trái phiếu trước hạn. Do đó, các giải pháp cấp thiết là vô cùng quan trọng.

Đối với làn sóng rút trái phiếu trước hạn, chuyên gia Vũ Đình Ánh nhận định, quan trọng là bình tĩnh, phân tích, đánh giá thông tin trước những tin đồn tiêu cực. Nếu như các nhà đầu tư hành xử theo đám đông sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các nhà phát hành, các nhà phân phối. Vô hình trung, tình hình bị đẩy lên khi chưa thực sự căng thẳng và gây thiệt hại cho tất cả các bên tham gia vào thị trường. Lúc này, trách nhiệm xử lý khủng hoảng của cơ quan quản lý rất quan trọng.

"Thực tế 20 năm qua, có những trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước đã đứng ra để ngăn chặn những tác động tiêu cực từ các tin đồn có thể gây ảnh hưởng đến tính thanh khoản của ngân hàng. Đã đến lúc, chúng ta phải có các cơ quan tương tự như khu vực ngân hàng để xử lý việc xếp hàng rút trái phiếu trước hạn. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống pháp lý chặt chẽ, tạo cơ sở củng cố niềm tin và ứng phó với những rủi ro do hiệu ứng tâm lý đám đông mà các nhà đầu tư phải đối mặt trong quá trình đầu tư", ông Ánh khẳng định.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hết sức phức tạp nên việc đầu tư thông qua các quỹ, các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp cần được cổ vũ. Vị chuyên gia này tin tưởng, cùng với sự hoàn thiện các quy định liên quan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển tốt trong thời gian tới.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoạt cho rằng đầu tư trái phiếu là đầu tư vào sản phẩm có rủi ro. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân quản trị được rủi ro khi đầu tư trái phiếu?

Trước hết, theo bà Hoạt, nhà đầu tư phải nắm khẩu vị rủi ro của bản thân. Hiện đã có những công cụ để nhà đầu tư chấm điểm khẩu vị rủi ro của mình đồng thời đánh giá toàn diện kinh nghiệm đầu tư, hiểu biết tài chính, khả năng chấp nhận rủi ro, hoặc sức chịu đựng về tổn thất tài chính.

Hai là, nhà đầu tư phải có thông tin công khai, minh bạch từ các tổ chức phát hành, hay có thể tìm thấy thông tin này ở các trái phiếu niêm yết hoặc phát hành ra công chúng vì những loại cổ phiếu này có tiêu chuẩn phát hành cao hơn nên sẽ tuân thủ các quy định về công bố thông tin. Hoặc nhà đầu tư có thể thông qua các tổ chức tư vấn phát hành chuyên nghiệp để được cung cấp thông tin trong suốt quá trình đầu tư.

“Nhà đầu tư có thể kết hợp thông tin tự thu thập với thông tin từ các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, để lựa chọn danh mục phù hợp với khẩu vị đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm đến những cổ phiếu công khai minh bạch thông tin. Hoặc, có thể chuyển sang đầu tư vào các quỹ mở trái phiếu để được đảm bảo rủi ro. Chỉ khi nhà đầu tư hiểu đúng và đủ về trái phiếu mới tránh được tâm lý hoang mang trước những thông tin bất lợi trên thị trường”, bà Hoạt nhận định.


O.Lý
Cùng chuyên mục