Triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023: Việt Nam có thể vượt gió nghịch và bứt phá?

14/06/2023 08:06 GMT+7
Các nhà nghiên cứu của Maybank chỉ ra rằng, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là tăng 6,5% trong năm nay và đang gặp khó khăn với mục tiêu này do tốc độ tăng trưởng GDP quý I giảm mạnh và áp lực kinh tế gia tăng.

Xuất khẩu sụt giảm, Việt Nam khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023

Các nhà nghiên cứu của Maybank gồm Brian Lee Shun Rong và tiến sĩ Chua Hak Bin đã phát hành báo cáo Kinh tế Việt Nam với tựa đề "Second Half 2023 Outlook: Headwinds Today, Stronger Tomorrow", tạm dịch "Triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2023: Vượt gió nghịch và bứt phá". Trong đó các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế +6,5% trong năm nay và đang gặp khó khăn với mục tiêu này do tốc độ tăng trưởng GDP quý I giảm mạnh (3,3%) và áp lực kinh tế gia tăng.

Hai cơn gió ngược lớn - suy thoái thương mại và khủng hoảng nợ bất động sản trong nước - đang ảnh hưởng đến tăng trưởng và khó có thể giảm bớt trong những tháng tới. Điều này khiến cho tăng trưởng GDP năm 2023 có khả năng thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ.

Maybank dự báo Việt Nam khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 - Ảnh 1.

Bảng 1: Việt Nam - Các chỉ số kinh tế vĩ mô chính. Nguồn: CEIC, Maybank

Gần đây, Maybank đã hạ dự báo GDP năm 2023 xuống +4% do dự báo một số trở ngại sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm. Tăng trưởng GDP được các nhà nghiên cứu dự báo sẽ phục hồi lên +6,0% vào năm 2024 (giảm so với mức dự báo trước đó là +6,5% ), do tình hình khó khăn chung của toàn cầu. 

Xuất khẩu sụt giảm là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GDP giảm mạnh trong quý đầu tiên (dự báo tăng trưởng GDP tăng +3,3% trong Quý 1 năm 2023 và +5,9% trong Quý 4 năm 2022). Xuất khẩu hàng hóa giảm - 11,7% trong Quý 1 so với một năm trước do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu yếu.

Maybank dự báo Việt Nam khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 - Ảnh 2.

Xuất khẩu hàng hóa sụt giảm (-11,7%), ngành công nghiệp & xây dựng sa sút khiến tăng trưởng GDP giảm 1,7 điểm trong quý 1 năm 2023 so với quý 4 năm 2022.

Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể cải thiện trong những tháng tới, do không còn chịu các tác động xấu từ lệnh phong tỏa của năm trước. Nhu cầu từ Trung Quốc cũng sẽ mạnh lên khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, giúp bù đắp nhu cầu đang suy yếu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sức mạnh phục hồi xuất khẩu có thể bị hạn chế bởi hai yếu tố:

Thứ nhất, tiên lượng nhu cầu toàn cầu ảm đạm có thể làm giảm khả năng phục hồi, do đầu vào thượng nguồn chiếm phần lớn các chuyến hàng của Việt Nam sang Trung Quốc, sau đó được chế biến thành hàng hóa hoàn chỉnh dành cho xuất khẩu sang các nền kinh tế thứ ba. Hàng hóa trung gian và nguyên liệu thô chiếm trung bình 43% tổng số lô hàng trong giai đoạn 2015 đến 2019, trong khi hàng hóa vốn chiếm thêm 40%.

Thứ hai, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, điều này có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu nội địa của Trung Quốc phục hồi.

Maybank dự báo Việt Nam khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 - Ảnh 3.

Tăng trưởng xuất khẩu từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại hầu như không có, đầu vào chiếm phần lớn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nguồn: CEIC

Bất động sản căng thẳng trước "cơn gió nghịch" ngắn hạn

Lĩnh vực bất động sản có thể sẽ vẫn là yếu tố cản trở nhu cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian tới, bất chấp các biện pháp hỗ trợ của chính phủ. Bất động sản và các hoạt động liên quan chiếm khoảng 12% GDP thực tế. Các nhà đầu tư bất động sản sử dụng đòn bẩy đang bị ảnh hưởng bởi giao dịch ảm đạm, cùng với thanh khoản yếu do các quy định siết chặt thị trường chứng khoán được ban hành vào tháng 9 năm ngoái (Nghị định 65) và hàng loạt vụ bắt bớ nghiêm trọng. Ngoài ra lãi suất cao và suy thoái kinh tế cũng đã làm giảm doanh số bán nhà. 

Một số nhà đầu tư đã buộc phải trì hoãn việc trả nợ trái phiếu, cắt giảm số lượng nhân viên, tạm dừng các dự án xây dựng và sử dụng các biện pháp cắt giảm chi phí khác. Ví dụ, nhà phát triển bất động sản hàng đầu Novaland đã phải xin trì hoãn việc thanh toán trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ đồng đáo hạn vào ngày 18/5, sau khi không có khả năng thanh toán gốc và lãi cho hai đợt khác vào tháng 2 do thiếu hụt thanh khoản .

Giá trị gia tăng bất động sản giảm -0,1% so với cùng kỳ trong Quý 1 năm 2023 (trong khi Quý 4 năm 22 tăng +4,4% ), tăng trưởng xây dựng trong quý 1 năm 2023 là +2% (trong khi Quý 4 năm 22 là +6,7% ) giảm xuống mức thấp nhất trong 5 quý.

Maybank dự báo Việt Nam khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 - Ảnh 4.

Tăng trưởng xây dựng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 quý.

Lạm phát sẽ ở mức trung bình là 3,4% trong năm 2023

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng sự phục hồi sẽ được dẫn dắt bởi thương mại do thị trường bên ngoài đã ổn định. Xuất khẩu có thể được phục hồi bởi sự gia tăng năng lực sản xuất do dòng vốn FDI mang lại. Lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ được hỗ trợ nhờ du lịch trong nước tiếp tục phục hồi khi du khách Trung Quốc quay trở lại. Chi tiêu tài khóa có thể sẽ vẫn hỗ trợ khi các cơ quan chức năng cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng 2021-2025 là +6,5% (trong khi trung bình 2021-22: +5,3%).

Maybank kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ ở mức trung bình là +3,4% vào năm 2023 (tăng nhẹ so với +3,2% vào năm 2022). Lạm phát trung bình tăng lên +3,5% trong 5 tháng đầu năm, nhưng đã hạ nhiệt đáng kể so với mức cao nhất là +4,9% vào tháng 1 do chi phí vận chuyển và thực phẩm thấp hơn. Lạm phát toàn phần là +2,4% trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 3/2022. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ gây áp lực trong việc giảm lạm phát. Các nhà bán lẻ như công ty du lịch, trung tâm điện máy, siêu thị đều đua nhau giảm giá để kích cầu. Kế hoạch cắt giảm 2% thuế VAT cũng sẽ làm giảm áp lực về giá cho các doanh nghiệp.

Chi phí vận chuyển giảm cũng là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến lạm phát. Chi phí vận tải đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái kể từ tháng 3/2023 và có thể tiếp tục giảm phát cho đến quý thứ ba trong bối cảnh giá dầu toàn cầu ổn định, do lạm phát vận tải năm ngoái luôn duy trì ở mức cao hai con số kéo dài đến tháng 7/2022.

Lạm phát nhập khẩu có thể sẽ vẫn ở mức vừa phải khi giá hàng hóa hạ nhiệt, tỷ giá hối đoái VND ổn định, trong khi đó, thời gian giao hàng và giá cước vận chuyển cũng đã trở về mức trước đại dịch khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

Dựa trên các yếu tố trên, Maybank dự báo lạm phát sẽ tăng lên +3,9% vào năm 2024 khi tăng trưởng phục hồi và các yếu tố giảm lạm phát như cắt giảm thuế VAT và giảm phát vận tải tiêu tan.


N.Hải (Theo Maybank)
Cùng chuyên mục