Trồng tam thất cất tiền tỷ

24/08/2020 16:21 GMT+7
Khoảng 3 năm tới, 1 ha vườn tam thất của gia đình chị Vũ Thị Nhung ở Si Ma Cai (Lào Cai) sẽ cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Chị Vũ hị Nhung sinh ra và lớn lên tại Sa Pa nhưng cơ duyên lại đưa Vũ Thị Nhung gắn bó với mảnh đất Si Ma Cai (Lào Cai). Với mong muốn được làm giàu và giúp người dân nơi đây có việc làm, thu nhập ổn định luôn là động lực thôi thúc Nhung khởi nghiệp. 

Nhận thấy tiềm năng của cây tam thất, chị Vũ Thị Nhung (ngụ Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai) đã bỏ vốn đầu tư trồng 1 ha tam thất. Ba năm đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên gia đình chị chỉ thu lãi được hơn 200 triều đồng. 

Trồng tam thất cất tiền tỷ - Ảnh 1.

Vườn tam thất nhà chị Vũ Thị Nhung. Ảnh THLC

Đến năm 2019, chị Nhung đã bỏ thời gian, bỏ tiền đi học hỏi thêm kinh nghiệm trồng tam thất ở một số địa phương khác. 

Sau đó, chị về bàn với gia đình đầu tư 600 triệu đồng để thực hiện mô hình ươm 0,7 ha giống cây tam thất và trồng 1 ha cây tam thất. 

Chị cho biết, việc tự ươm giống cây tam thất không những chủ động được nguồn giống cho gia đình, mà cây giống có chất lượng tốt hơn do không bị giập nát như khi vận chuyển từ nơi khác về, giảm giá thành đầu tư ban đầu, đồng thời còn có nguồn thu từ việc bán cây giống tam thất cho người dân trong vùng. Chỉ tính riêng việc bán cây giống cũng cho gia định chị vài chục triệu đồng mỗi năm.

Đến cuối năm 2019, vườn tam thất 1 ha của gia đình chị đã thu hoạch 80 kg nụ hoa, với giá bán 500.000 đồng/kg giúp chị có thêm kinh phí trang trải cho việc thuê người chăm sóc vườn tam thất. 

Theo ước tính, khoảng 3 năm tới, khi thu hoạch củ, với 1 ha tam thất này sẽ cho gia đình chị nguồn thu hàng tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Nhung còn sẵn sàng giúp các chị em khác trong thôn, xã cùng phát triển loại cây này. Nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương được chị tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tam thất. 

Chỉ riêng trong xã, chị Nhung đã giúp 3 hội viên phụ nữ xây dựng thành công vườn tam thất.

Trồng tam thất cất tiền tỷ - Ảnh 2.

Chị Nhung kiểm tra dây chuyền sản xuất chè túi lọc.

Chị Giàng Thị Váng, thôn Mản Thẩn, xã Mản Thẩn, một người thường xuyên được chị Nhung nhờ đến giúp trồng cây tam thất cho biết: "Khi chưa làm cho gia đình chị Nhung, tôi chỉ ở nhà trồng ngô, trồng lúa, vất vả lắm. Được đến đây làm, công việc không vất vả mà thu nhập lại ổn định. Tôi hy vọng sau thời gian làm việc ở đây sẽ học được nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc tam thất từ chị Nhung".

Không chỉ trồng tam thất, chị Vũ Thị Nhung còn đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến các sản phẩm từ cây tam thất. 

Đầu năm 2020, chị được vay 165 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh. Cùng với hơn 200 triệu đồng của gia đình, chị đã đầu tư một dây chuyền sản xuất chè túi lọc tam thất với nguyên liệu là nụ và lá tam thất, công suất 480 sản phẩm mỗi  ngày. 

Khi dây chuyền đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. 

Theo chị, nếu xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm này sẽ nâng cao hơn nữa giá trị của cây tam thất và tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ địa phương.

Hiện nay, chị Nhung đang quản lý Hợp tác xã Mản Thẩn, chuyên cung cấp và chế biến các loại dược liệu sẵn có tại địa phương. Nói về các dự định cho hợp tác xã của mình, chị Nhung cho biết: Chị đang tiến hành các thủ tục để cho ra sản phẩm bột tam thất khô, chế biến chè giảo cổ lam, bột chuối hột khô. Đây là những loại dược liệu rất sẵn trên vùng cao Si Ma Cai.

Không chỉ trồng tam thất, gia đình chị Nhung còn trồng 2 ha mận Tả Van đang cho thu hoạch và nuôi hơn 100 con gà, vịt thả vườn. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Được biết, hiện, việc trồng cây dược liệu đã giúp nhiều hộ dân ở Si Ma Cai thoát nghèo bền vững, đặc biệt có hộ đã trở thành tỷ phú. 

Trồng tam thất cất tiền tỷ - Ảnh 3.

Nhiều hộ gia đình ở Si Ma Cai đã thành tỷ phú nhờ trồng tam thất. Ảnh báo Lào Cai.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai trồng cây dược liệu ở Si Ma Cai đã phát sinh những thách thức không nhỏ. Có trang trại trồng cây dược liệu bị thiệt hại do sâu bệnh, do sản phẩm làm ra không đạt tiêu chuẩn nên giá bán không cao. 

Mặt khác, trồng cây dược liệu có yêu cầu kỹ thuật cao từ khâu làm đất, chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản... Trong khi nhiều hộ dân ở Si Ma Cai chưa nắm chắc quy trình kỹ thuật nên gặp không ít khó khăn khi canh tác.

Để cây dược liệu thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn ở Si Ma Cai, trong thời gian tới, địa phương cần xây dựng quy trình trồng, chăm sóc từng loại cây dược liệu cụ thể phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. 

Đặc biệt, việc phát triển cây dược liệu cần có lộ trình cụ thể; đồng thời có những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cùng với nông dân trồng cây dược liệu theo hướng chuyên canh, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch và cả khâu tiêu thụ sản phẩm.

Nhị Hà
Cùng chuyên mục