Trồng thứ quả lạ trên triền dốc, nông dân hái mỏi tay hơn 2.000 tấn quả/năm
Người dân trèo hái hồng trên triền đồi
Khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch hằng năm, người dân xứ Lạng lại được thưởng thức 1 loại quả đặc trưng ngon ngọt, giòn mà không hạt của huyện Văn Lãng. Đó là hồng vành khuyên - loại quả không thể thiếu trên mỗi mâm cỗ của trẻ con miền núi mỗi mùa trung thu về.
Đến thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ không khó để bắt gặp hình ảnh người dân gồng gánh, đeo vác những thúng hồng từ trên triền đồi đi xuống để kịp cân cho thương lái.
Anh Hoàng Tắc Vầu, thôn Nà Mò cho biết: Gia đình tôi có gần 2 ha hồng vành khuyên. Vì trồng sâu trong khe, trên triền đồi dốc nên việc trẻo hái khá khó khăn. Người dân ở đây hầu hết phải chuẩn bị thang, dây thừng, gậy hái quả để có thể hái được những quả trên cao mà vẫn đảm bảo quả tươi còn phấn trắng, không bị dập nát.
"Năm ngoái hồng mất mùa nhưng được giá. Năm nay hồng sai quả, năng suất cao hơn nhưng từ đầu mùa đến giờ cũng chỉ bán dao động từ 14.000 - 16.000/kg. Quả sau khi hái về là chở ngay đến điểm thu gom, tập kết. Trung bình 1 ngày mỗi người hái được khoảng 1 tạ quả", ông Vầu chia sẻ.
Theo ông Vầu, hồng này thu hái về chưa ăn được luôn phải ngâm nước ít nhất 2 đêm thì quả mới hết chát. Quả hồng vành khuyên sau ngâm nước sẽ giòn, ngọt và đặc biệt là không hạt nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Anh Hoàng Văn Hậu, chủ điểm thu mua hồng của bà con nơi đây cho biết: Hầu hết người dân ở đây đều trồng và phát triển giống hồng này. Hiện nay, hằng ngày vợ chồng anh thu mua hồng của bà con để giao cho thương lái mang về chợ Long Biên, Hà Nội.
Giá thì tùy theo ngày, hiện nay đang dao động từ 14.000 - 16.000/kg quả tươi. Trung bình 1 ngày anh thu được hơn 2 tấn quả hồng tươi. Theo anh Hậu, Lạng Sơn hiện có 2 loại hồng nổi tiếng là Hồng Vành khuyên và Hồng Bảo lâm.
Cách để phân biệt 2 loại quả này dễ nhất là là hồng vành khuyên có 1 vòng tròn như vòng khuyên ngay dưới nắp quả. Thịt quả vàng, ngọt và thơm ngon.
Cũng như các hộ gia đình khác, gia đinh ông Hoàng Văn Áy, thôn Nà Mò cũng đang tất bật trèo hái hồng. Ông Áy cho biết: gia đình ông có gần 3 ha diện tích trồng hồng vành khuyên. Năm ngoái mất mùa gia đình thu được 5 tấn quả, năm nay vườn hồng tốt sai nhiều hơn. Ông Áy dự kiến năm nay vườn hồng của gia đình sẽ cho thu khoảng 10 tấn quả.
Bà Hoàng Thị Do (vợ ông Áy) cho biết: Công việc trèo hái rất vất vả, thời điểm này trời nắng quả vàng rất nhanh, thu hái không kịp quả sẽ bị chín nhũn trên cây do đó gia đình bà phải "huy động" anh em đến giúp.
Theo bà Do việc trồng và chăm sóc hồng cũng không quá cầu kì, sau khi thu quả xong gia đình bà sẽ quét dọn, xử lý cỏ mà lá rụng, sau đó vun xới gốc và bón phân. Đến thời kỳ ra hoa đậu quả thì kiểm tra thường xuyên vì có nhiều côn trùng, sâu bệnh hại sẽ gây bệnh trên cây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả hồng.
Theo thống kê từ Phòng NNPTNT huyện Văn Lãng tổng diện tích Hồng vành khuyên hiện nay là trên 892 ha trong đó xã Tân Mỹ có 456 ha, xã Hoàng Việt 132 ha, xã Hoàng Văn Thu 66,7 ha. Sản lượng toàn huyện năm 2020 ước đạt 2.103 tấn trong đó xã Tân Mỹ ước đạt khoảng 989 tấn quả.
Việc mở rộng diện tích trồng hồng Vành khuyên được triển khai trồng tại các khu vực vốn đã phát triển loại cây ăn quả này. Đây vốn là cây ăn quả bản địa đã có từ xa xưa, qua thời gian người dân tự nhân giống, mở rộng diện tích phát triển cây hồng vành khuyên. Do đó cây phát triển tốt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu cao.
Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng phòng NNPTNT huyện Văn Lãng cho biết: Văn Lãng có hồng vành khuyên là 1 trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện. Hiện nay trên địa bàn có hơn 30 ha diện tích hồng sản xuất theo hướng hữu cơ. 33 hộ dân của thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ đã và đang được tập huấn về kiến thức từ các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật Trung ương và được hỗ trợ vật tư như bẫy ruồi vàng, ...
Từ năm 2017 đến nay huyện Văn Lãng cũng đã xây dựng chứng nhận VietGaP cho hơn 347 ha. Dự kiến thời gian tới hồng Vành khuyên của huyện Văn Lãng sẽ được cấp chứng nhận 4 sao OCOP
Theo ông Xuyên: Hồng sau khi thu hái từ trên triền đồi sẽ được thương lái thu mua tươi, sau đó vận chuyển về tiêu thụ tại các chợ đầu mối Long Biên rồi phân phối đi các tỉnh thành khắp cả nước. Cây hồng đã và đang mang lại giá trị kinh tế, người dân nơi đây có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.