Trung Quốc áp thuế tới 212,1% với rượu vang Úc
Theo phía Bộ Thương mại Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá từ 107,1% đến 212,1% với mặt hàng rượu vang Úc sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 28/11, tức chỉ một ngày sau thông báo chính thức.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Úc, chiếm khoảng 39% tổng các lô hàng xuất khẩu rượu vang trong 9 tháng đầu năm 2020, theo thống kê của hiệp hội rượu Wine Australia.
Hồi tháng 8, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ bắt đầu hai cuộc điều tra về hoạt động bán phá giá và trợ cấp cho các doanh nghiệp rượu vang Úc sau khi nhận được đơn khiếu nại từ Hiệp hội Công nghiệp Rượu Trung Quốc. Đơn này cáo buộc chính phủ Úc đã đưa ra 40 chương trình trợ cấp, cho phép các nhà sản xuất rượu Úc cung cấp mặt hàng rượu giá rẻ vào thị trường Trung Quốc, tạo nên môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Phản hồi lại khiếu nại, Bộ Thương mại Úc quyết định sẽ tiến hành điều tra 37 chương trình trợ cấp trên tổng số 40 chương trình nói trên.
Khiếu nại cũng bao gồm nội dung cáo buộc nhiều mặt hàng rượu vang được bán tại Trung Quốc với giá thấp hơn giá bán ra ở Úc. Theo đó, Hiệp hội Công nghiệp Rượu Trung Quốc yêu cầu Bộ Thương mại áp thuế 202,7% để bù đắp thiệt hại do hành vi bán phá giá rượu vang của các doanh nghiệp Úc từ năm 2015-2019.
Vào thời điểm đó, phía Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay cuộc điều tra về hành vi trợ cấp và bán phá giá sẽ được tiến hành song song, thời hạn kéo dài 1 năm và có thể gia hạn tối đa 6 tháng. Trong trường hợp kết quả cho thấy có hiện tượng bán phá giá rượu vang Úc và điều này gây thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp đồ uống nội địa, Bắc Kinh sẽ có đòn bẩy để áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng này.
Thực tế, sau 3 tháng điều tra, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 27/11 đã tuyên bố trong thông cáo chính thức rằng “có mối quan hệ nhân quả giữa việc Úc bán phá giá rượu vang và những thiệt hại vật chất (mà ngành công nghiệp rượu vang Trung Quốc phải gánh chịu)”. Với tuyên bố như vậy, Bắc Kinh đã xác nhận hiện tượng Úc bán phá giá rượu vang, tạo cơ sở cho mức thuế dự kiến 107,1% đến 212,1%.
Quan hệ Trung Quốc - Úc đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi Canberra hồi tháng 3 kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19. Cho đến nay, phía Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các biện pháp cấm hoặc hạn chế nhập khẩu than, đường, lúa mạch, tôm hùm, rượu vang, đồng và gỗ tròn của Úc. Bắc Kinh cũng áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng với lúa mạch Úc, tổng mức thuế lên tới 80,5%.
Khi căng thẳng leo thang, các quan chức Canberra đã kêu gọi làm rõ hàng loạt chính sách của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu Úc. Phản hồi lại lời kêu gọi này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tháng này đã phát đi một thông điệp yêu cầu phía Úc chủ động cải thiên quan hệ song phương.