Trung Quốc "cầm trịch" Hiệp định Thương mại lớn nhất thế giới sắp ký kết năm 2020?
Trung Quốc dẫn đầu Hiệp định Thương mại lớn nhất hành tinh RCEP
Hiệp định bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác thương mại lớn của khối ASEAN bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Trước đó, Ấn Độ cũng tham gia đàm phán nhưng đã quyết định rút ra vào phút cuối do lo ngại nội dung hiệp định có thể làm tổn thương các nhà sản xuất trong nước.
Theo báo cáo của Reuters, 15 quốc gia tham gia RCEP chiếm gần ⅓ dân số thế giới, lớn mạnh hơn bất cứ khối liên minh thương mại khu vực nào khác bao gồm của EU và Hiệp định Bắc Mỹ Canada - Mỹ - Mexico (còn gọi là USMCA).
Ý tưởng về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP được đưa ra vào tháng 11/2012 tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) như một sáng kiến của các nước ASEAN nhằm khuyến khích dòng chảy thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Trước đó, 6 quốc gia này đều có các hiệp định thương mại tự do độc lập với mỗi thành viên của ASEAN. Do vậy, một hiệp định tự do khu vực như RCEP với các nội dung liên quan đến giảm thuế, chuẩn hóa thủ tục hải quan và mở cửa thị trường chắc chắn sẽ là biện pháp hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại trong khối.
16 quốc gia bắt đầu đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực vào năm 2013, song song với đàm phán hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Khác với RCEP, TPP khi đó được xem như một hiệp định thương mại quan trọng khác với sự dẫn dắt của Mỹ. Tuy nhiên khi Tổng thống Donald Trump kế nhiệm Obama, ông này đã đưa Mỹ rút khỏi TPP, các quốc gia còn lại quyết định đổi tên Hiệp định thành CPTPP.
Được dự đoán là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến, nhiều nhà phân tích chỉ ra RCEP có thể là cách tiếp cận mới của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Với việc không có tên trong Hiệp định RCEP, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ phải tái cân nhắc tham gia TPP (nay là CPTPP) để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ tại các thị trường Đông Nam Á và Châu Đại Dương.
Được gì từ RCEP?
Hiệp định cuối cùng với các điều khoản thỏa thuận thương mại chi tiết sẽ được thông qua 15 quốc gia thành viên trước khi ký kết và có hiệu lực. Các phân tích cho thấy Hiệp định RCEP chủ yếu mang đến lợi ích thúc đẩy kim ngạch thương mại trong khối do gỡ bỏ phần lớn hàng rào thuế quan với nhiều sản phẩm. Không chỉ giúp mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong khối, RCEP còn khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu ngoài khối xây dựng chuỗi cung ứng bên trong thị trường các nước thành viên RCEP, theo tin tức trên Reuters.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Reuters, RCEP bị cho là không chất lượng bằng CPTPP, ngay cả khi CPTPP không có sự tham gia của Mỹ. Cụ thể, RCEP thiếu lời cam kết kêu gọi các quốc gia thành viên bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt, sau khi Ấn Độ rút chân khỏi thỏa thuận, RCEP cũng mất đi nhiều lĩnh vực dịch vụ quan trọng.
Sự ra đi của Ấn Độ gần đây hiện là một trong những rào cản chính trong các cuộc đàm phán thương mại RCEP gần đây. Một số thành viên RCEP như Nhật Bản lâu nay đánh giá cao sự tham gia của New Delhi như một thị trường đối trọng với Trung Quốc. Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, đồng thời là thị trường đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Tuy nhiên, 15 quốc gia còn lại vẫn dự kiến ký kết Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2020, theo nguồn tin của The economist Intelligence Unit. “Không có Ấn Độ, RCEP sẽ bị thu hẹp phần nào phạm vi ảnh hưởng. Nhưng con đường đàm phán của nó giờ đây cũng trở nên suôn sẻ hơn” - EIU nhận định.