Trung Quốc cử quan chức thâm nhập công ty tư nhân, Alibaba cũng "chịu trận"
Chính quyền thành phố Hàng Châu sắp tới sẽ đưa 100 quan chức Chính phủ vào nội bộ các doanh nghiệp chủ chốt của địa phương như Alibaba, Wahaha, Geely… Đây là một phần trong kế hoạch thúc đẩy sản xuất của thành phố nhằm chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển hiện đại hóa, bắt kịp các siêu cường công nghệ thế giới. Định hướng này phù hợp với chiến lược Made in China của chính quyền Tập Cận Bình, trong đó đề cập đến 10 ngành công nghiệp giá trị cao được ưu tiên mũi nhọn mà dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất chip, ô tô, hàng không vũ trụ, thương mại điện tử...
Danh sách đầy đủ 100 công ty tư nhân trong kế hoạch của thành phố Hàng Châu hiện chưa được công bố.
Alibaba chấp nhận quan chức Chính phủ
Thành phố Hàng Châu, nằm cách Thượng Hải khoảng 1 giờ di chuyển, được mệnh danh là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Nơi đây tập trung rất nhiều trụ sở chính của các đại công ty Trung Quốc. Trụ sở chính của Alibaba với hơn 20.000 nhân viên đang làm việc cũng được đặt tại Hàng Châu.
Trả lời CNBC trước thông tin quan chức Chính phủ sẽ xâm nhập nội bộ tập đoàn, Alibaba cho hay chỉ thị mới này sẽ không làm gián đoạn sự vận hành của tập đoàn, do đó không có lý do gì để phản đối cả.
"Chúng tôi hiểu sáng kiến của Chính quyền là để tạo nên một môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn cho các doanh nghiệp Hàng Châu. Quan chức đại diện Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm như một cầu nối giữa khu vực tư nhân và Nhà nước chứ không can thiệp sâu vào hoạt động công ty".
Nhà sản xuất ô tô Geely Hàng Châu và công ty sản xuất đồ uống Wahaha, hai trong số những doanh nghiệp "cùng chung cảnh ngộ" với Alibaba hiện chưa đưa ra phát ngôn chính thức.
Khi Chính phủ "nhúng tay quá sâu" vào doanh nghiệp
Mặc dù truyền thông Trung Quốc gọi kế hoạch ở Hàng Châu là một chiến lược kinh tế thúc đẩy sự đổi mới, nhưng việc đưa quan chức chính phủ vào nội bộ công ty tư nhân đã làm tăng lên mối quan ngại tầm ảnh hưởng và quyền lực quá lớn của Nhà nước với Doanh nghiệp, kể cả những "đế chế" như Alibaba.
Luật pháp Trung Quốc quy định rất rõ ràng, mọi tổ chức, doanh nghiệp có thể buộc phải bàn giao các dữ liệu mật kể cả về bí mật kinh doanh và sở hữu trí tuệ cho Chính phủ nếu được yêu cầu. Cũng chính vì điều luật này, gã khổng lồ viễn thông Huawei đã bị chính phủ Mỹ cáo buộc liên quan đến hành động gián điệp của Bắc Kinh và có nguy cơ gây phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ. Mỹ thậm chí cảnh báo các nước đồng minh việc cho phép Huawei tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G có thể sẽ mang đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia.
Huawei từng nhiều lần phủ nhận không làm việc cho Chính phủ Trung Quốc nhưng nhiều chuyên gia khẳng định một khi được Bắc Kinh yêu cầu, đế chế này không thể làm gì hơn ngoài việc phục tùng Chính phủ. Cho đến nay, một số quốc gia như Úc, New Zealand, Nhật Bản đã "cấm cửa" Huawei khỏi dự án 5G.