Trung Quốc đã thực hiện hàng triệu giao dịch bằng tiền kỹ thuật số

06/10/2020 10:13 GMT+7
Đã có hàng triệu giao dịch với tổng trị giá 1,1 tỷ NDT (162 triệu USD) được sử dụng thông qua chương trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC phát hành.
Trung Quốc đã thực hiện hàng triệu giao dịch bằng tiền kỹ thuật số - Ảnh 1.

Trung Quốc đã thực hiện hàng triệu giao dịch bằng tiền kỹ thuật số

Phát biểu tại hội nghị tài chính và ngân hàng Sibos hôm 5/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC, ông Fan Yifei cho hay tính đến nay đã có tổng cộng 3,13 giao dịch được xử lý bằng tiền kỹ thuật số thông qua chương trình thử nghiệm của PBOC tại các thành phố như Thâm Quyến và Hùng An.

Các thử nghiệm đã đạt được những “tiến bộ tích cực” với nhiều loại hình giao dịch khác nhau từ thanh toán hóa đơn, vận chuyển đến các giao dịch chính phủ, ông Fan Yifei nói thêm. Cũng theo vị Phó Thống đốc PBOC, loại tiền tệ này có thể sử dụng thông qua nhiều phương thức thanh toán khác nhau như quét mã vạch, nhận dạng khuôn mặt… “PBOC nhận định đồng NDT kỹ thuật số sẽ trở thành cơ sở hạ tầng tài chính quan trọng trong tương lai”.

Một ví dụ cụ thể, ông Fan tiết lộ chính phủ từng hợp tác với chính quyền địa phương Thâm Quyến để sử dụng bao lì xì NDT điện tử thưởng cho 5.000 nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe từng tham gia điều trị Covid-19.

Cho đến nay, đã có 113.300 cá nhân và 8.800 doanh nghiệp mở ví kỹ thuật số như một phần trong chương trình thử nghiệm quy mô lớn này. Đồng NDT kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hướng tới xã hội phi tiền mặt, cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp thanh toán hàng hóa hoàn toàn bằng ví điện tử.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất toàn cầu trong lĩnh vực thanh toán di động. Tại quốc gia tỷ dân này, người dùng các dịch vụ thanh toán điện tử thông qua AliPay (Ant Group - công ty con của Alibaba) hay WeChat Pay (Tencent) đã chứng kiến sự tăng trưởng chóng mặt trong vài năm vừa qua. Trong bối cảnh đó, chính phủ Bắc Kinh tham vọng thúc đẩy sự phát triển tiền kỹ thuật số như một công cụ để chuyển đổi nền kinh tế trong nước, đi trước nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu. 

Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC cũng đàn áp hàng loạt giao dịch tiền điện tử, cho rằng chúng ẩn chứa rủi ro gây ra sự bất ổn tài chính, thậm chí thách thức khả năng in tiền của PBOC trong tương lai. 

Trong khi đó, đồng tiền kỹ thuật số mà PBOC phát hành sẽ cung cấp cho Ngân hàng Trung Ương khả năng kiểm soát, theo dõi hoạt động của nền kinh tế thực.

Một quan chức Viện nghiên cứu Tiền tệ kỹ thuật số thuộc PBOC tiết lộ vào tháng 12/2019: “Đồng NDT kỹ thuật số được sử dụng trong các giao dịch thanh toán chứ không phải mục đích đầu cơ. Nó không bao gồm các đặc tính đầu cơ như các loại tiền điện tử (Bitcoin) và cũng không đòi hỏi sự bảo chứng của một rổ tiền tệ pháp định như các loại tiền ảo ổn định”.

Trước đó, hồi năm 2019, Trung Quốc tuyên bố đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển một đồng tiền kỹ thuật số. Dưới sự quản lý của Ngân hàng Trung Ương PBOC, tiền kỹ thuật số cho phép các ngân hàng thương mại và những công ty dịch vụ tài chính bên thứ 3 như Alipay, WeChat Pay sử dụng trong các giao dịch thanh toán một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Một nguồn tin được tiết lộ hồi năm ngoái cũng chỉ ra rằng  tiền kỹ thuật số của Trung Quốc không dựa trên hệ thống nguyên mẫu blockchain như dự án Libra của Facebook mà sẽ phát triển một “kiến trúc” vận hành đa dạng, phức tạp hơn để đáp ứng nhu cầu tiềm năng khổng lồ của thị trường Trung Quốc: tốc độ cao, bảo mật tốt, giao dịch thuận tiện. Theo đó, PBOC sẽ chạy hệ thống tiền ảo trên một hệ điều hành hai tầng nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận và sự thuận lợi của các giao dịch. PBOC sẽ đóng vai trò như nhà phát hành cao cấp và các ngân hàng thương mại khác đều là nhà phát hành thứ cấp hợp pháp của tiền kỹ thuật số. 

“Vì hệ thống này không thông qua các tổ chức vận hành trung gian, nên nó sẽ giải quyết triệt để các hạn chế liên quan đến giao dịch xuyên biên giới, thời gian giao dịch kéo dài…” ông Shafou Jun, chủ tịch China UnionPay nhận định.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục