Trung Quốc sẽ có tiền kỹ thuật số trong 2 tháng tới?
Ngay sau khi Facebook công bố kế hoạch ra mắt tiền điện tử Libra, Trung Quốc cũng tuyên bố đang phát triển một đồng tiền kỹ thuật số gọi tắt là DCEP. Dưới sự quản lý của Ngân hàng Trung Ương (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc), DCEP cho phép các ngân hàng thương mại và những công ty dịch vụ tài chính bên thứ 3 như Alipay, WeChat Pay sử dụng trong các giao dịch thanh toán một cách nhanh chóng và thuận tiện.
“Tất cả hệ thống đã sẵn sàng. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ ra mắt DCEP trong khoảng 2-3 tháng tới” - ông Jack Lee, quản lý quỹ đầu tư HCM Capital nhận định. Ông này cho biết thêm việc ra mắt DCEP có thể mang ý nghĩa như một thử nghiệm, song song với sự lưu thông đồng NDT.
HCM Capital là quỹ đầu tư được “chống lưng” bởi tập đoàn điện tử Đài Loan Foxconn - một trong những đối tác lớn nhất của Apple. Quỹ này hiện đầu tư vào nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và từng rót khoảng 100 tỷ USD vào Quỹ Tầm nhìn của SoftBank Nhật Bản, theo nguồn tin đăng tải trên Reuters.
Việc Trung Quốc tuyên bố kế hoạch ra mắt tiền điện tử DCEP diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nhiều quốc gia quan ngại việc lưu thông tiền ảo có thể làm tăng rủi ro rửa tiền, lừa đảo và tài trợ khủng bố. Đồng Libra của Facebook hiện cũng bị Chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức tài chính khác yêu cầu đình chỉ ra mắt cho đến khi giải quyết xong các rủi ro nói trên. Sau các cảnh báo từ Chính phủ, nhiều đối tác của Facebook trong đó đa số là các công ty dịch vụ tài chính đã rút khỏi Hiệp hội Libra. Dù vậy, Facebook cho đến nay vẫn duy trì kế hoạch ra mắt Libra do những tiềm năng dồi dào mà đồng tiền này có thể mang đến.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tuyên bố ra mắt đồng tiền kỹ thuật số. Cùng với Trung Quốc, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ mới đây cũng vừa làm việc với sở giao dịch nước này để nghiên cứu, khảo sát tiềm năng của một đồng tiền điện tử tương tự.
Daniela Stoffel, Bộ Trưởng Tài chính quốc tế của Thụy Sĩ nhận định: “Việc Trung Quốc dự kiến ra mắt đồng tiền kỹ thuật số DCEP có thể sẽ là bước ngoặt thúc đẩy các nhà chức trách toàn cầu xem xét thái độ và hành động phù hợp với những dự án như vậy trong tương lai”.
“Nếu các Chính phủ nhận ra xu thế tiền điện tử đang thực sự đến gần, cũng như các rủi ro thách thức mà nó mang đến là hoàn toàn có thực, tôi nghĩ rằng đây sẽ là một động lực để những nhà lập pháp trên toàn cầu ra quyết định có chấp nhận tiền điện tử hay không”.
“Và tất nhiên rồi, sự gia tăng tiềm năng của các dự án tiền kỹ thuật số sẽ đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của đồng tiền tệ quốc gia cũng như ngân hàng Trung Ương trong thời đại tiền ảo trong tương lai. Điều này chắc chắn cần phải được thảo luận trên phạm vi quốc tế” - ông Daniela Stoffel nhấn mạnh.
Thực chất từ khi Facebook công bố kế hoạch ra mắt đồng Libra, Quốc hội Mỹ đã rộ lên lo lắng về việc đại gia công nghệ này rồi sẽ thay thế vai trò của Ngân hàng Trung Ương trong hệ thống tài chính, còn đồng Libra thì trở thành tiền tệ dự trữ quốc tế do mạng lưới 2 tỷ người dùng tiềm năng (khoảng 25% dân số thế giới) mà Facebook nắm giữ. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến Tổng thống Donald Trump cùng Cục Dự trữ Liên bang FED và Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ đồng thời yêu cầu Facebook đình chỉ ra mắt dự án này cho đến khi tất cả các rủi ro liên quan được khảo sát và giải quyết.