Trung Quốc "hồi sinh" sau đại dịch: Cú hích cho thương mại toàn cầu?
Kinh tế toàn cầu "đóng băng" vì đại dịch
“Hãy ở nhà. Chỉ ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp. Bảo vệ tính mạng bản thân”. Đó là nội dung một bảng điện tử ở London khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu và Anh là một trong những quốc gia có số ca nhiễm ngày một tăng lên.
Chính phủ Anh hôm 25/3 đã tuyên bố tăng gấp đôi số tiền phạt cho người vi phạm lệnh phong tỏa lên 60 Bảng (75 USD). Tất cả nhà hàng, quán rượu, cửa hàng cũng được lệnh buộc đóng cửa trừ những siêu thị nhỏ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Không riêng tại London, mà nhiều thành phố khác trên toàn cầu cũng đang chứng kiến hoạt động kinh tế “đóng băng” khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều chính phủ buộc phải dùng các biện pháp mạnh mẽ như phong tỏa khu vực hoặc đất nước, hạn chế giao thông, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà trừ trường hợp cần thiết.
Nhiều quốc gia châu Âu đang “tê liệt” vì dịch bệnh, còn Mỹ thì đang quằn quại chiến đấu khi trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Ngay cả tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, những con đường ở Tokyo và Osaka cũng vắng tanh. Dịch vụ đặt phòng, đặt bàn trực tuyến OpenTable cho biết số lượng đặt bàn tại nhà hàng đã giảm mạnh trong tháng 2 tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới như London và New York. Các nhà hàng thậm chí buộc phải đóng cửa. Tình trạng tương tự diễn ra ở Tokyo của Nhật Bản, khi chính quyền địa phương cuối tuần qua đã kêu gọi người dân ở nhà do số ca nhiễm mới Covid-19 tăng đột biến.
Một ứng dụng công nghệ bản đồ tại Hà Lan báo cáo rằng tình trạng ùn tắc giao thông đã biến mất khỏi các thành phố lớn trên toàn thế giới vào cuối tuần qua, chỉ trừ Tokyo. Giá xăng dầu rớt xuống mức thấp kỷ lục khi nỗi lo sợ dịch bệnh làm giảm mạnh nhu cầu di chuyển và hoạt động sản xuất.
Một tài xế taxi ở London bất lực trả lời tờ Nikkei: “Không có việc làm. Tôi khó có thể sống trong hoàn cảnh như thế này”.
Kinh tế Trung Quốc "hồi sinh" và động lực cho thương mại toàn cầu
Nhưng khi nhiều quốc gia trên thế giới lao đao vì dịch bệnh, những dữ liệu kinh tế mới đây lại phản ánh sự phục hồi và khởi sắc của nền kinh tế Trung Quốc.
Dòng chảy hàng hóa đang phục hồi khi Trung Quốc kết thúc các lệnh phong tỏa do số ca nhiễm mới Covid-19 giảm mạnh. Đa số các ca nhiễm đều là du khách nước ngoài nhập cảnh, và tâm chấn dịch bệnh Hồ Bắc từ lâu đã không xuất hiện người bệnh mới.
Số lượng tàu ở Thượng Hải - cảng thương mại lớn nhất thế giới - đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 3; theo công ty hình ảnh vệ tinh Orbital Insight của Mỹ. Đại diện một công ty logistic của Trung Quốc ghi nhận việc phục hồi các hoạt động vận chuyển thép và hóa chất bằng đường thủy từ những thành phố Trùng Khánh, Vũ Hán đến các khu vực ven biển phía Đông. Đường thủy hiện là giải pháp thay thế cho vận chuyển bằng xe tải, vốn vẫn đang bị hạn chế do lệnh phong tỏa Vũ Hán đến hết ngày 8/4.
Tại Singapore, nơi có cảng biển lớn thứ hai thế giới, dấu hiệu thương mại phục hồi cũng được ghi nhận khi các chuyến tàu tăng lên mạnh mẽ.
Simin Ngai, một chuyên gia phân tích từ Cirium - công ty phân tích dữ liệu du lịch quốc tế nhận định: “Sự phục hồi trong vận tải hàng hóa phản ánh trực tiếp những hoạt động sản xuất được nối lại ở Trung Quốc”. Chính sự “hồi sinh” của Trung Quốc - công xưởng của thế giới, nơi có những nhà máy gia công hàng hóa trung gian lớn nhất thế giới - đã kích hoạt sự phục hồi hoạt động vận tải biển bị đình trệ lâu nay.
Cảng Rotterdam của Châu Âu cũng đang tấp nập trở lại khi hoạt động thương mại tại Trung Quốc phục hồi, theo đại diện của A.P. Moller-Maersk, công ty vận tải container lớn nhất thế giới.
Ngành công nghiệp vận tải vốn đang chuẩn bị cho sự suy yếu do các trung tâm sản xuất - tiêu thụ lớn như Ấn Độ bị phong tỏa. Nhưng khi nhu cầu ở Trung Quốc phục hồi, đó sẽ là chìa khóa khởi động lại nền kinh tế toàn cầu trì trệ.