Trung Quốc lại siết hàng hóa qua biên giới, nông sản Việt càng thêm lo

06/04/2020 07:28 GMT+7
Sắp tới, Trung Quốc sẽ siết chặt hàng hóa qua biên giới để chống dịch Covid-19. Theo đó, lượng hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam xuất khẩu sang đây lại càng thêm lo...

Bộ Công thương ra công điện khẩn

Trước tình hình xe hàng nông sản tồn đọng tại các cửa khẩu mỗi ngày một lớn, mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh và tại Côn Minh (Trung Quốc) về việc phối hợp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt - Trung.

Tại văn bản này, Bộ Công Thương đã đề nghị các Tổng lãnh sự làm việc với các cơ quan chức năng phía Quảng Tây và Vân Nam để trao đổi một số ý kiến về việc phối hợp công tác, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh nhưng cũng bảo đảm không gây gián đoạn quá mức cần thiết cho hoạt động thương mại giữa hai bên, giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

Trung Quốc lại siết hàng hóa qua biên giới, nông sản Việt lại thêm lo - Ảnh 1.

Trung Quốc tiếp tục siết chặt, hạn chế nhập cảnh tại khu vực biên giới để phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Tuy nhiên, ngày 3/4/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã có Công điện gửi các Bộ, ngành và UBND các tỉnh biên giới phía Bắc về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc có công hàm thông báo phía Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý, áp dụng các biện pháp siết chặt, hạn chế nhập cảnh tại khu vực biên giới giữa hai nước Việt - Trung trong thời gian tới để phòng, chống dịch Covid-19.

Phía Trung Quốc cũng kiến nghị thành lập Cơ chế phòng chống dịch liên hợp biên giới trên bộ Trung Quốc - Việt Nam do chính quyền tỉnh (khu tự trị) biên giới hai nước chủ trì. Các cơ quan ngoại vụ, hải quan cửa khẩu, kiểm dịch y tế, kiểm tra di dân, bộ đội biên phòng… của hai bên cùng tham gia nhằm tăng cường hợp tác hai bên trong chia sẻ thông tin, phối hợp chính sách, xử lý vụ việc đột xuất trong phòng chống dịch.

Trước động thái mới của Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa ký văn bản gửi các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên) đề nghị UBND các tỉnh phối hợp triển khai một số nội dung như tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của Bộ Y tế về kiểm dịch y tế biên giới phòng chống dịch Covid-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không.

Đặc biệt, UBND các tỉnh này chỉ đạo các Sở, ban, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh theo dõi sát sao, cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, các động thái, biện pháp quản lý của chính quyền tỉnh (khu tự trị) phía Trung Quốc; kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương để cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.

"Ùn ứ hàng hóa chắc chắn xảy ra trong thời gian tới"

Trước các diễn biến mới nhất, Cục Xuất nhập khẩu nhận định sắp tới có khả năng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc.

Đơn vị thuộc Bộ Công Thương cho rằng một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam đang vào thời điểm chính vụ để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu như lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc ngày càng nhiều, tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa chắc chắn xảy ra trong thời gian tới.

Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu các tỉnh, thành phố, Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị.

Tuy nhiên vẫn đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động; không vì sức ép giải tỏa ùn tắc, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong suốt quá trình thực hiện hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.

A.Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục