Trung Quốc lợi lớn từ thương chiến Nhật - Hàn?
Theo các nhà phân tích, nền sản xuất của Trung Quốc sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh khi hai đồng minh của Mỹ - Nhật và Hàn mải mê theo đuổi những xung đột của họ.
Thương chiến Nhật Hàn có nguy cơ kéo dài
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây nhận định thương chiến với Nhật Bản có thể sẽ kéo dài sau khi Tokyo tuyên bố hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu quan trọng bao gồm polyamide fluoride được sử dụng trong sản xuất smartphone; chất phát quang và Hydro florua được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn từ hôm 9.7 qua. Rõ ràng, Nhật Bản không hề lay động trước đe dọa “sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết” từ chính quyền ông Moon Jae-in.
Thực chất, mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã được châm ngòi từ sau Thế Chiến II, khi Nhật Bản lạm dụng phụ nữ Hàn Quốc trong các nhà thổ quân đội, cưỡng ép công nhân Hàn Quốc làm việc trong các doanh nghiệp tư bản. Dù Nhật Bản đã lên tiếng xin lỗi và bồi thường hàng tỷ JPY, người dân Hàn vẫn cho rằng điều đó là chưa đủ so với những nỗi đau nặng nề mà họ phải gánh chịu suốt nhiều thập kỷ.
Mâu thuẫn trở nên sâu sắc khi Tokyo cáo buộc số hàng Hydro florua, nguyên liệu có thể dùng trong sản xuất vũ khí hóa học mà nước này xuất khẩu sang Hàn Quốc đã bị chuyển đến Triều Tiên. Hàn Quốc sau đó phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng không thể ngăn được Nhật Bản xóa nó khỏi danh sách trắng những quốc gia có hệ thống kiểm soát, quản lý xuất khẩu đáng tin cậy.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi cuối tháng 6
Từ ngày 11.7 tới đây, các công ty Nhật sẽ phải xin giấy phép nếu muốn xuất khẩu các mặt hàng hóa chất kể trên sang Hàn Quốc. Lệnh hạn chế này đang có nguy cơ đe dọa những gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc như Samsung hay LG, khi mà cả hai đang phụ thuộc phần lớn vào các nhà cung cấp Nhật Bản.
Về phía Nhật Bản, lệnh hạn chế thương mại cũng được dự đoán sẽ gây tác động lớn đến các doanh nghiệp nước này một khi chuỗi cung ứng bị phá vỡ bởi xung đột leo thang. Theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, chỉ tính riêng tháng 5, các công ty Nhật đã cung cấp 94% polyamide fluoride và 92% chất phát quang cho Hàn Quốc.
Các nhà phân tích tin rằng trong tình huống xấu nhất, Seoul có thể sẽ dùng tới những biện pháp ăn miếng trả miếng như hạn chế xuất khẩu màn hình OLED và các phụ kiện cần thiết để sản xuất TV công nghệ cao các công ty Nhật.
Trong trường hợp đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đang nổi lên như một thế lực công nghệ mới của thế giới sẽ là thị trường tối ưu để lấp đầy chuỗi cung ứng bị gián đoạn của cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhật Bản và Hàn Quốc đang tự hủy hoại mình bằng thương chiến?
Ryo Hinata-Yamaguchi, giáo sư Khoa Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) nhận định Tokyo và Seoul đang hủy hoại lẫn nhau trong thương chiến.
Nhật Bản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nguồn cung hóa chất và công nghệ sản xuất đối với các ngành công nghiệp của Hàn Quốc. Nhưng nên nhớ, ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là thị trường quan trọng cho lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản. Mối quan hệ này thậm chí sâu sắc hơn rất nhiều. Một ví dụ cụ thể: các công ty Hàn Quốc nhập khẩu chất hóa học từ Nhật Bản để sản xuất linh kiện bán dẫn, phần lớn các linh kiện này lại được xuất khẩu ngược sang các công ty Nhật Bản.
Như vậy, một khi hai nền kinh tế này xa cách nhau bởi xung đột thương mại, những căng thẳng sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng và tác động lớn đến nguồn cung con chíp toàn cầu, gây ảnh hưởng cho mọi tập đoàn công nghệ bao gồm cả Apple hay Huawei.
Trong bối cảnh Huawei đang bị danh sách đen của Mỹ phong tỏa, sự suy sụp của Samsung hay LG sẽ là đòn giáng mạnh vào ngành công nghệ thế giới.
Trung Quốc làm “ngư ông đắc lợi” như thế nào?
Nguồn tin đăng trên tờ South China Morning Post khẳng định cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc rồi sẽ mang đến ích lợi không nhỏ cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Từ khi thương chiến Mỹ Trung nhen nhóm, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn độc lập, nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Cốt lõi của tham vọng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường công nghệ là phát triển ngành công nghiệp con chíp.
Theo tiến trình kế hoạch Made-in-China 2025 được tiết lộ, Bắc Kinh đặt mục tiêu sản xuất đáp ứng 40% nhu cầu con chíp trong nước vào năm 2020, và 70% nhu cầu con chíp trong nước vào năm 2025. Hiện khả năng sản xuất con chíp của Trung Quốc chỉ đạt 10% nhu cầu.
10 mục tiêu phát triển của Trung Quốc đến năm 2025
Rõ ràng Bắc Kinh không hề nói suông. Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, gã khổng lồ công nghệ tuyên bố nó đã có kế hoạch đối phó với kịch bản Mỹ cấm vận từ lâu. Công ty con HiSilicon chuyên phát triển con chíp đã âm thầm hoạt động trong những năm qua và thu về nhiều thành tựu đáng kể. Huawei khi đó khẳng định hãng hoàn toàn có đủ linh kiện bán dẫn phục vụ sản xuất một khi bị cắt đứt chuỗi cung ứng từ Mỹ.
Huawei chỉ là một trong số ít các công ty Trung Quốc phát triển mảng công nghệ bán dẫn. Và thương chiến Nhật - Hàn vừa hay lại chính là “cơn gió lạ” thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nước này phát triển.
“Một khi căng thẳng giữa Tokyo và Seoul diễn ra, hiệu suất sản xuất và cung ứng con chíp của Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu sẽ bị hạn chế. Đây chính là thời cơ cho các doanh nghiệp Trung Quốc nhảy vào khoảng trống, chiếm lĩnh thị phần. Trung Quốc sẽ tìm thấy động lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của họ từ căng thẳng thương mại giữa hai nước láng giềng. Và thời gian sẽ cho thấy liệu rằng Trung Quốc có phải quốc gia duy nhất hưởng lợi hay không.” - ông June Park, giảng viên Kinh tế Quốc tế Đại học George Mason Hàn Quốc nhận định.
Nhìn lại quá khứ, trên thị trường Châu Á, những năm 90 của thế kỷ 20 là khoảng thời gian ngành công nghiệp con chíp của Nhật Bản nở rộ. Từ năm 2010 trở lại đây, ngành công nghiệp con chíp Hàn Quốc lên ngôi. Những diễn biến phức tạp và sự vận động không ngừng khiến vị thế các quốc gia trong ngành này thay đổi liên tục trong 4 thập kỷ qua. Và nếu Trung Quốc tận dụng được căng thẳng thương mại Nhật - Hàn hiện tại, nước này hoàn toàn có khả năng trở thành nhà tiên phong tiếp theo của ngành công nghiệp bán dẫn Châu Á.
Trung Quốc tham vọng thống trị ngành công nghiệp bán dẫn
Lợi ích chính trị cho Bắc Kinh
Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp, Bắc Kinh còn có thể đạt được nhiều lợi ích chính trị từ mối quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Seoul. Từ lâu, Trung Quốc đã nhạy cảm trong mối quan hệ ngoại giao với Nhật Bản và Hàn Quốc. Quốc gia tỷ dân cảnh giác về sự gắn bó chặt chẽ giữa Tokyo và Seoul, điều có thể tạo ra một liên minh Nhật - Hàn đe dọa sự bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương, tương tự như những gì NATO đã làm để kiểm soát Nga ở Châu Âu.
Nhưng giờ đây, khi mối quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc đang tê liệt, liệu còn liên minh nào đủ sức kìm kẹp Trung Quốc? Ngay cả khi Tokyo và Seoul mong muốn chấm dứt chiến tranh thương mại, sẽ cần những nhượng bộ lớn từ cả hai phía để cứu vãn mối quan hệ song phương vốn đã gượng gạo từ sau Thế chiến II.
Giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi nhận định: “Trung Quốc hưởng lợi ra sao từ xung đột Nhật - Hàn hoàn toàn phụ thuộc vào việc xung đột đó sẽ tồi tệ đến mức nào”, tờ South China Morning Post đưa tin.