Trung Quốc tăng tốc mua sắn của Việt Nam cuối năm để làm gì?
Tiến độ thu hoạch sắn bị chậm lại do mưa nhiều
Từ đầu tháng 10/2022 đến nay, giá củ sắn tươi tại một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên ổn định, nguồn cung hàng vụ mới thấp, phải sang tháng 11 mới có hàng đưa ra thị trường nhiều hơn. Tại Sơn La, giá sắn lát giao dịch quanh mức 6.000 đồng/kg với hàng rời và 6.100-6.150 đồng/kg với hàng bao. Giá tinh bột sắn xuất khẩu của Việt Nam cũng ổn định, hiện dao động quanh mức 450 USD/tấn, FOB.
Một số nhà máy tinh bột sắn tại Tây Ninh tiếp tục điều chỉnh giá thu mua sắn nội vùng, tiến độ thu hoạch sắn tại các tỉnh Tây Nguyên bị chậm lại do mưa nhiều. Giao dịch xuất khẩu qua kênh biên mậu vẫn khá tốt, cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma vẫn thông quan hàng tinh bột sắn, lượng giao hàng đều đều.
Tại Gia Lai, năm 2022, tổng diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đạt gần 80 nghìn ha, trong đó hơn 6 nghìn ha bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Bệnh tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Pa (5.390 ha), La Pa (125 ha), Phú Thiện (129 ha), thị xã Ayun Pa (200 ha) và thị xã An Khê (110 ha). Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn tổ chức hướng dẫn nông dân vùng bị nhiễm bệnh tiến hành các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá theo khuyến cáo của tỉnh. Đặc biệt, đối với các vùng trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nặng, cần xây dựng phương án chuyển sang trồng cây khác để cắt đứt nguồn bệnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu được 193,24 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 87,66 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 9,4% về trị giá so với tháng 8/2022; So với tháng 9/2021 giảm 2,9% về lượng và giảm 0,2% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 453,6 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 2,8% so với tháng 9/2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,32 triệu tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, tăng 8% về lượng và tăng 19,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 9/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 89,2% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của cả nước, với 172,37 nghìn tấn, trị giá 78,46 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 13,7% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 giảm 4,2% về lượng và giảm 2,5% về trị giá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,12 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 936,63 triệu USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Triển vọng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc cuối năm khả quan
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu sắn (HS 071410) của Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 50,3%so với cùng kỳ năm2021. Thái Lan, Việt Nam, Lào là thị trường cung cấp sắn cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2022 với 150,16 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2021, thị phần sắn của Việt Nam chiếm 8,82% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 10,74% của 8 tháng đầu năm 2021.
Trung Quốc nhập khẩu sắn lát của Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 1,54 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 90,75% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng so với mức 88,56% của 8 tháng đầu năm 2021.
Với mặt hàng tinh bột sắn: Trong 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,84 triệu tấn tinh bột sắn (HS 11081400), trị giá 1,48 tỷ USD, tăng 29,3% về lượng và tăng 42,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ 2 cho Trung Quốc, với 1,11 triệu tấn, trị giá 568,59 triệu USD, tăng tới 226% về lượng và tăng 262,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 39,17%, tăng mạnh so với mức 15,54% của cùng kỳ năm 2021; trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 53,76%, giảm mạnh so với mức 73,64% của cùng kỳ năm 2021.
Số liệu thống kê cho thấy, trong mấy tháng gần đây Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar; trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia.
Thực tế hiện nay, nhu cầu đối với sản phẩm sắn của Trung Quốc vẫn rất cao. Ngoài sử dụng cho con người, Trung Quốc tăng nhập sắn về để làm thức ăn chăn nuôi thay thế cho các nguyên liệu khác đang tăng cao.
Tại thị trường Trung Quốc, sắn và các sản phẩm sắn của Thái Lan đang cạnh tranh mạnh với sắn của Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường trọng điểm này. Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan.
Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022.
Dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự thiếu bền vững và bị động.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có nhiều khâu trung gian, chi phí logistics của Việt Nam cao nên tính cạnh tranh quốc gia thấp; hiện phải canh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia, Lào.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam không có cách nào khác là nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách xuất khẩu, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít…) gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong đó có ngành sắn.
Dự báo năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, rủi ro cho người nông dân ở chỗ xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc không chỉ khó khăn do chính sách "Zero Covid" mà còn gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ năm 2022.
Để tăng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sắn, các chuyên gia cho rằng, các nhà máy chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam cần đổi mới công nghệ chế biến để phát triển một cách đa dạng các sản phẩm sắn; tăng cường mở rộng thêm vùng nguyên liệu; giải quyết triệt để vần đề xử lý chất thải trong chế biến sắn, đảm bảo an toàn môi trường.
Để phát triển giá trị của sắn, các địa phương cần nghiên cứu tạo cơ chế để tăng cường liên kết giữa vùng sản xuất và nhà máy chế biến, tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển hợp tác xã tại các vùng sản xuất sắn; đầu tư xây dựng nhà máy phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu.