Sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với Thái Lan

03/06/2022 18:17 GMT+7
Sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan tại thị trường Hàn Quốc...

Thị phần sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 62,11 nghìn tấn, trị giá 21,46 triệu USD, tăng 40,6% về lượng và tăng 50,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc đạt 345,6 USD/ tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là sắn lát khô và tinh bột sắn. Trong đó, xuất khẩu sắn lát khô chiếm tới 91% trong tổng lượng sắn và các sản phẩm sắn xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022.

Sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với Thái Lan - Ảnh 1.

Việt Nam là thị trường cung cấp sắn và sản phẩm từ sắn lớn thứ 2 cho Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022; thị phần sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 93,33 nghìn tấn sắn (mã HS 071410), trị giá 28,37 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 134,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, giá nhập khẩu bình quân đạt 304 USD/tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. 

Thái Lan, Việt Nam và Philipines là 3 thị trường cung cấp sắn cho Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Hàn Quốc, với 32,06 nghìn, trị giá 13,02 triệu USD, tăng 64,8% về lượng và tăng 92,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, giá nhập khẩu bình quân đạt 406 USD/tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 34,4% trong tổng lượng sắn nhập khẩu của Hàn Quốc, giảm mạnh so với mức 42% của 4 tháng đầu năm 2021. 

Với tinh bột sắn: Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 4 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 11,31 nghìn tấn tinh bột sắn (mã HS 110814), trị giá 6,05 triệu USD, tăng 138,6% về lượng và tăng 167,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, giá nhập khẩu bình quân đạt 536 USD/tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022. 

Việt Nam cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 với 1,2 nghìn tấn, trị giá 696 nghìn USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu bình quân tinh bột sắn từ Việt Nam đạt 577 USD/tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 10,7% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc, giảm mạnh so với 27,1% của cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm tới 89,3% tổng lượng tinh bột sắn của Hàn Quốc, tăng mạnh so với mức 72,9% của cùng kỳ năm 2021. 

Qua số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu cả sắn và tinh bột sắn. Tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan.

Sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với Thái Lan - Ảnh 2.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Hàn Quốc

Được biết, hiện giá sắn củ tươi tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên không có nhiều biến động. Nhu cầu mua sắn lát của các nhà máy thức ăn chăn nuôi tại khu vực miền Bắc vẫn khá tốt. Một số nhà máy tinh bột sắn tại Tây Ninh nghỉ bảo dưỡng kết thúc vụ. Hoạt động xuất khẩu tinh bột sắn qua các cửa khẩu vẫn chậm. 

Dịch khảm lá sắn bùng phát gây hại khiến năng suất củ sắn tươi giảm. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn lo thiếu nguyên liệu chế biến. Do ảnh hưởng của nắng hạn, dịch bệnh khảm lá, cộng với chi phí vật tư phân bón tăng cao nhưng giá sắn lại giảm... đã khiến cho người dân Tây Nguyên gặp không ít khó khăn trong duy trì trồng loại cây chủ lực này.

Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh đã xuống giống trên 9.000ha sắn nguyên liệu, nhưng đã có đến trên 3.600ha sắn nhiễm bệnh khảm lá chưa có thuốc đặc trị, khiến nông dân phải nhổ bỏ để tiêu hủy. Năm 2022, tỉnh Nghệ An có trên 11.800 ha trồng sắn; trong đó, sắn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy là trên 9.000 ha; năng suất bình quân đạt trên 268 tạ/ha sắn nguyên liệu.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục