Trung Quốc tiếp tục xuất kho dự trữ thịt lợn để bình ổn giá, giá lợn hơi trong nước bật tăng
Giá lợn hơi hôm nay 30/09/2022, thị trường bật tăng ở một số địa phương
Giá lợn hơi hôm nay 30/09/2022, thị trường lợn hơi chiều nay bật tăng giá tại một số địa phương. Người chăn nuôi hứng khởi đón giá mới, giá lợn hơi toàn quốc tăng 1.000-3.000 đồng/kg.
Ở miền Bắc tại các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, .... mức giá lợn hơi dao động từ 57.000-62.000 đồng/kg. Tại miền Trung - miền Đông: Bình Thuận, Đồng Nai, Vũng Tàu,... giá lợn hơi cũng tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg. Riêng miền Tây giá lợn hơi vẫn còn giảm nhẹ ở Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre. Người dân kì vọng tuần tới giá lợn hơi sẽ tiếp tục chuyển biến mạnh hơn nữa.
Ngày 30/9 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam ổn định Giá lợn hơi Công ty chăn nuôi C.P miền Bắc điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg từ hôm trước, mang lại tín hiệu tốt để chặn đứng đà giảm. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 61.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 60.000 đồng/kg. Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay tăng mạnh, đứng ở mức 81.900 đồng/kg.
Trước đó, sáng nay, giá lợn hơi vẫn ghi nhận mức giảm ở các địa phương. Cụ thể: Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 55.000 - 61.000 đồng/kg. Theo đó, cùng giảm 1.000 đồng/kg, tại 3 tỉnh gồm Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình hiện giá lợn hơi xuống còn 60.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên và Thái Nguyên lần lượt thu mua với giá 56.000 đồng/kg, 57.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg. Mốc giá cao nhất 61.000 đồng/kg được ghi nhận tại Vĩnh Phúc, và mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực 55.000 đồng/kg được ghi nhận ở Lào Cai.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi sáng nay cũng giảm rải rác tại một vài nơi và dao động trong khoảng 55.000 - 61.000 đồng/kg. Trong đó, Ninh Thuận ghi nhận mức giảm mạnh trong khu vực 3.000 đồng/kg xuống còn 56.000 đồng/kg, mức giá này cũng được ghi nhận tại Đắk Lắk. Cùng giảm 1.000 đồng/kg, hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh đang giao dịch chung mốc 60.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Bình Thuận tiếp tục là địa phương có giá thu mua thấp nhất khu vực khi đạt mức 55.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi thời điểm sáng nay điều chỉnh giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một số địa phương và dao động trong khoảng 51.000 - 61.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại các địa phương Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp lần lượt ở mức 51.000 đồng/kg, 55.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg. Các địa phương gồm Bình Dương, Long An, Hậu Giang, Cà Mau cùng ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg và ghi nhận mức giá lợn hơi ở mức từ 55.000 - 61.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động về giá.
Diễn biến mới nhất cho biết, Trung Quốc tiếp tục xuất kho dự trữ thịt lợn để bình ổn giá lợn của nước này đang tăng cao.
Tờ Nhân dân nhật báo đưa tin Trung Quốc xuất thịt lợn từ kho dự trữ của Chính phủ ra thị trưởng ngày 30/9 để duy trì nguồn cung và ổn định giá.
Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã xuất kho dự trữ thịt lợn quốc gia 3 lần trong tháng 9 này và yêu cầu tăng lượng giết mổ lợn để kiểm soát giá. Tuy nhiên giá mặt hàng này tiếp tục tăng và dự kiến nhu cầu có thể tăng mạnh trong dịp Quốc khánh vào đầu tháng 10, khiến các cơ quan chức năng phải có biện pháp ứng phó.
Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết, từ ngày 19-23/9, giá bán lẻ thịt lợn nạc trung bình tuần tại 36 thành phố lớn và trung bình của Trung Quốc tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc liên tục tăng kể từ giữa tháng 3 vừa qua, lên tới 31,17 nhân dân tệ (4,40 USD)/kg tuần trước.
Theo số liệu chính thức, lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc đã lên tới 2,7% trong tháng 7, cao nhất trong 2 năm qua, phần lớn do giá thịt lợn tăng mạnh, trước khi giảm nhẹ xuống 2,5% trong tháng 8 khi các biện pháp phòng chống Covid-19 làm giảm mức cầu hàng hóa nói chung.
Chính phủ Trung Quốc dự trữ khối lượng lớn thịt lợn đông lạnh và sẽ xuất kho để bình ổn giá, đặc biệt trong những thời điểm nhu cầu tăng mạnh như Tết Nguyên đán.
Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cam kết tiếp tục tăng dự trữ thịt lợn và tăng phân phối nếu cần.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phần lớn không bị tác động bởi sự tăng giá thực phẩm trên toàn cầu, tuy nhiên giá thịt lợn bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi trong những năm gần đây, khiến lạm phát tiêu dụng tăng mạnh.
Từ năm 2019, nhà chức trách cho biết đã thúc đẩy khôi phục sản lượng và từ đó đến nay đã xuất kho dự trữ nhiều đợt để kiểm soát giá thịt lợn.
Thịt lợn là một mặt hàng chủ lực ở Trung Quốc và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm được sử dụng để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng của nước này.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021, sau khi tăng 20,2% trong tháng 7/2022.
Theo trang theo dõi giá thịt lợn của Trung Quốc www.zhuwang.cc, giá thịt lợn trên toàn quốc đã tăng 53% từ mức của tháng 5/2022, lên 23,34 NDT/kg (tương đương 3,4 USD/kg) hôm 9/9.
Đến nay, cơ quan chức năng Trung Quốc chưa dùng tới giải pháp tăng nhập khẩu để hạ giá thị trường. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất giữ được giá tiêu dùng tăng rất thấp. Tuy nhiên do thịt lợn là mặt hàng chủ lực trong rổ chỉ số giá tiêu dùng cũng như được người dân tiêu thụ nhiều nhất nên Trung Quốc luôn dùng giải pháp xả kho thịt lợn khi giá tăng cao.
Theo các chuyên gia, giải pháp kịp thời của cơ quan chức năng chỉ chặn đà tăng trước mắt. Từ nay đến cuối năm nhu cầu tăng cao nên giá lợn khó có cơ hội giảm mạnh, nhất là trong điều kiện giá thức ăn và nhiều thứ khác tăng cao.
Sản lượng lợn của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 tăng, lượng giết mổ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Giá gần đây tăng đã mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất, lượng lợn nái giống hàng tháng đã tăng lên kể từ tháng 5/2022. Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong quý II/2022 thấp hơn nhiều so với những năm trước, mặc dù tương đương với mức nhập khẩu trong quý I/2022 . Trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm 64% so với cùng kỳ năm 2021 ở mức 799.000 tấn (giảm 68% từ thị trường EU). Tất cả các thị trường chính cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc đều giảm.
Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường cung cấp thông tin về tình hình chăn nuôi và đưa ra các chính sách hỗ trợ để đảm bảo nguồn cung ổn định trong quý IV, đặc biệt là trong các dịp lễ lớn. Sau cuộc họp với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), Bộ này cho biết sẽ cung cấp thông tin về lợn giống, lợn hơi và thực hiện thêm các chính sách hỗ trợ cho vay dài hạn, chính sách môi trường.
Tăng đàn đảm bảo nguồn cung thịt lợn cuối năm
Được biết, với thị trường thịt lợn trong nước, để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm, cả nước phải đạt sản lượng thịt các loại khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi phải đạt trên 4,2 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn.
Bộ NNN7PTNT đang tập trung giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi. Người dân và doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì và tăng đàn, tăng nguồn cung, từ đó góp phần ổn định thị trường từ nay tới cuối năm.
Theo những tính toán cụ thể, đến đầu tháng 8 này, tổng đàn lợn vẫn tăng 4,8%, đàn gia cầm tăng 1,6% và đàn bò tăng 2,6%. Dự kiến nhu cầu lợn thịt năm nay khoảng 51 triệu con với tốc độ tăng đàn khoảng 4,8% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay, người chăn nuôi đang rất cần hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ từ những tổ chức tín dụng, giúp họ tăng đàn thuận lợi trong thời gian tới.
Bộ NN&PTNT đang tập trung giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, các ngành chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm soát vận chuyển lậu qua biên giới, kiểm soát các khâu trung gian để giá thịt nói riêng và thực phẩm nói chung tại chợ sẽ không tăng vì đội chi phí ở khâu trung gian.
Để ngành chăn nuôi trong nước phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước để hạ giá thành chăn nuôi, kiểm soát phòng chống dịch tốt, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; phát triển các mô hình chăn nuôi đảm bảo song hành yếu tố hiệu quả, bền vững...
Dự báo nhu cầu vào thời điểm Tết Nguyên đán thường tăng từ 10 - 20% so với bình thường. Ổn định nguồn cung thịt lợn, gia cầm từ nay đến cuối năm là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra. Việc đã có vaccine tả lợn châu Phi là cơ sở quan trọng để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cả năm của đàn lợn vào khoảng 4,8%. Tuy nhiên, với ngành chăn nuôi yếu tố quan trọng nhất vẫn là thức ăn.
Trước những tác độngcủa kinh tế thế giới và giá nguyên liệu nhập khẩu, đại diện Bộ NNPTNT cho biết về một số giải pháp để có nền chăn nuôi tự chủ.
Chúng ta phải có một nền chăn nuôi tự chủ, chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây thức ăn, đặc biệt vừa rồi Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt và Chăn nuôi xây dựng hợp tác xã trồng sắn và ngô ở Tây Nguyên đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là biện pháp sẽ đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, chúng ta sẽ tập trung trồng ngô sinh khối, chế biến 1,5 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chuyển làm thức ăn cho đại gia súc. Đây chính là cái chúng ta tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu thức ăn và là giải pháp có hiệu quả ngay.
Với thị trường nội địa thời gian tới, dự báo giá lợn hơi trong nước của ta tiếp tục dao động quanh mức 60.000 đồng/kg, có thể tăng cao vào dịp cuối năm.