TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần giải phóng 1 triệu tỷ đầu tư công đang bị "nhốt" trong hệ thống ngân hàng

Huyền Anh Thứ hai, ngày 14/11/2022 08:54 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, TS.Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu suy kiệt, bởi vậy Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần bơm đủ tiền vào nền kinh tế, đặc biệt là phải giải phóng 1 triệu tỷ đầu tư công đang bị "nhốt" tại hệ thống ngân hàng.
Bình luận 0

Lãi suất huy động và cho vay tăng cao, nhiều doanh nghiệp bắt đầu rơi vào tình trạng mất thanh khoản, thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu... những biểu hiện ấy nói lên điều gì? Để tìm hiểu bản chất của vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia xung quanh vấn đề này. 

Nền kinh tế rơi vào tình trạng "dòng tiền âm"

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng hiện tại của thanh khoản nền kinh tế?

- Hiện nay có khoảng trên 20 ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên huy động thị trường 1 (thị trường dân cư) trên 90%, trong đó có 4 ngân hàng tỷ lệ này trên 100%.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường cũng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản thực sự. Biểu hiện là chiếm dụng vốn lẫn nhau, dòng tiền âm. 

Thống kê của chúng tôi cho thấy, nhiều doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau với khối lượng lớn, lên tới hàng trăm nghìn tỷ. Trong đó, riêng 6 tập đoàn lớn số vốn chiếm dụng lẫn nhau lên tới 200.000 tỷ đồng. Đáng nói, phần lớn vốn chiếm dụng này có nguồn gốc từ ngân hàng. 

Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu và thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi, dòng tiền quay trở lại ngân hàng chậm, ở cả khu vực ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng bán lẻ.

Thêm vào đó là tình trạng đình trệ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, kể cả thị trường trái phiếu, thanh khoản ngân hàng khu vực doanh nghiệp làm cho thị trường tài sản nói chung, đặc biệt là thị trường bất động sản đình trệ. Tất nhiên, đối với lĩnh vực bất động sản còn có nhiều nguyên nhân khác.

Tóm lại, tình trạng khan hiếm thanh khoản trở thành tình trạng chung của nền kinh tế. Nền kinh tế rơi vào tình trạng "dòng tiền âm".

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nên mạnh dạn bơm tiền, đừng chờ đợi và hy vọng đầu tư công sẽ có bước tiến bộ - Ảnh 1.

TS.Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng khan hiếm thanh khoản của nền kinh tế, thưa ông?

- Từ đầu năm đến tháng 10, tăng trưởng GDP vào khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy, GDP danh nghĩa tăng khoảng 11%. Hay nói cách khác, GDP tính theo giá hiện hành tăng 11%.

Trong khi đó, cung tiền M2 chỉ tăng được 3%. Giả định, vòng quay tiền không đổi, thì nền kinh tế thiếu tiền cung ứng để lưu thông GDP theo giá hiện hành một cách bình thường. Rất may, trong quý I, quý II và nửa đầu quý III/2022, tình hình chưa căng thẳng nhờ cung tiền năm ngoái dư thừa lớn.

Theo thống kê, cung tiền năm 2021 tăng 11%, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng khoảng 4,6%. Như vậy, có khoảng 6,4% tiền dư thừa từ năm 2021 được tiếp tục lưu hành trong các quý đầu năm 2022. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu suy kiệt.

Cũng vì lý do đó, nhu cầu tín dụng của nên kinh tế đang rất lớn dẫn tới lãi suất cho vay của NHTM tăng rất nhanh. 

Ví dụ, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm khoảng 9%, lạm phát 3% như vậy lãi suất thực là 6%, gấp đôi lạm phát, một số trường hợp gấp 2,5 đến 3 lần lạm phát.

Ngược lại, ở Châu Âu lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm là 3%, trong khi lạm phát 10%. Lãi suất thực âm gấp đôi lạm phát. Mỹ cũng tương tự, lạm phát Mỹ khoảng 8,5-9%, trong khi lãi suất cho vay khoảng 2,5% - 3%.

Tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát cao nhất thế giới. Nói cách khác, tỷ lệ lạm phát thuộc nhóm thấp nhất thế giới nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay cao nhất thế giới. Vậy, doanh nghiệp nào chịu đựng nổi?

Khi lãi suất thực cao như vậy, đồng nghĩa việc đang xói mòn rất nhanh chóng nền tảng tài chính của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kể cả bất động sản đều gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, vừa lãi suất cao vừa "gánh" áp lực lớn từ tỷ giá hối đoái.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã "cạn máu", vì vậy bây giờ chỉ "ngồi đấy và chờ đợi". Có những doanh nghiệp thà "bán mình" còn hơn để phá sản.

Ngược lại, người gửi tiền trong ngắn hạn được hưởng lợi rất lớn, trong khi đó hệ thống ngân hàng vẫn giữ được NIM ổn định, nhưng đằng sau đó là nguy cơ nợ xấu rất lớn.

Nếu không bơm tiền vào lưu thông, các ngân hàng sẽ đua tăng lãi suất huy động, sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng cao

Tài liệu phụ vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc cho biết, tồn ngân quỹ Nhà nước hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Cầu cao, nhưng cung về vốn lại bị đọng tại ngân sách nhà nước có phải nguyên nhân cạn thanh khoản hiện nay không, hay còn lý do nào khác, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân khiến cung tiền thấp, nhưng 2 nguyên nhân chính và trong đó tiền ngân sách bị "nhốt" tại hệ thống là nguyên nhân thứ nhất.

Cụ thể, hệ thống ngân hàng chủ yếu là NHNN và các quốc doanh đang nắm giữ gần 1 triệu tỷ đồng tiền đầu tư công của Chính phủ, nhưng không được phép cho vay ra. Nói cách khác, hệ thống ngân hàng đang bị động hút tiền về từ lưu thông và nhốt tại hệ thống.

Hai là, NHNN bán khối lượng ngoại tệ rất lớn, trên 20 tỷ USD. Động thái này cũng hút về trên 500.000 tỷ trong lưu thông về ngân hàng. Như vậy, khối lượng tiền hút về từ lưu thông khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.

Điều này dẫn đến tình trạng, lãi suất liên ngân hàng lên rất cao, khoảng 7,3%/năm và cá biệt có ngày lên tới 8,3%/năm. Theo tôi, có vẻ như, các công cụ để bơm tiền qua OMO đang có vấn đề lớn. Có thể là khối lượng trái phiếu Chính phủ các NHTM đang nắm giữ để bán cho NHNN, trên cơ sở đó NHNN bơm tiền ra lưu thông còn hạn chế.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nên mạnh dạn bơm tiền, đừng chờ đợi và hy vọng đầu tư công sẽ có bước tiến bộ - Ảnh 3.

Cũng phải nói thêm rằng, một trong những lý do NHNN hút tiền từ lưu thông về có thể là lo ngại về lạm phát, đặc biệt là về tỷ giá hối đoái.

Nhưng theo tôi lạm phát cũng không còn đáng lo ngại, bởi lạm phát thế giới có xu hướng giảm. Mặt khác, tỷ giá hối đoái cũng sẽ có xu hướng giảm.

Mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục tăng lãi suất nhưng cường độ tăng sẽ chậm lại. Trên thực tế, chỉ số USD đang có xu hướng giảm. Trong lần tăng lãi suất gần đây, chỉ số này tăng lên 113 và vài ngày sau đó giảm.

Một phần vì áp lực lạm phát giảm dần, phần vì các NHTW các nước cũng tăng lãi suất. Tôi cho rằng, USD không thể tiếp tục đứng mãi ở đỉnh như thời gian qua. Trong trường hợp như Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng lãi suất vào thời gian tới, và điều này chắc chắn xảy ra và USD sẽ giảm giá.

So với VNĐ, USD tăng khoảng 9% kể từ đầu năm, nhưng tôi cho rằng, có thể đây là đỉnh điểm về tốc độ tăng tỷ giá hối đoái năm 2022. Hơn nữa, cơ hội để tăng thêm nữa trong năm tới cũng sẽ không xảy ra.

Trong trường hợp như vậy, NHNN nên mạnh dạn tăng cung tiền và bảo vệ vững thanh khoản của các NHTM. Nếu làm được như vậy, nền kinh tế có thêm "luồng máu mới", tạo ra tâm lý mới từ phía chính sách tiền tệ. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hơn, từ đó tăng lòng tin đối với thị trường. Thị trường tài sản nhất là chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản dần phục hồi.

Vậy theo ông, Ngân hàng Nhà nước nên "ứng xử" như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Như trên đã nói, tăng cung tiền là vấn đề vô cùng cấp bách, Chính phủ cần xử lý nhanh. Cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải có trách nhiệm trong việc tăng cung tiền cho nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.

Về phía NHNN, cơ quan này cũng không nên chờ đợi và hy vọng vào việc giải ngân đầu tư công sẽ có bước tiến bộ. NHNN phải coi đó là lượng tiền mình đang nắm giữ mà cần có lượng tiền bổ sung vào nền kinh tế. Trong trường hợp sau này đầu tư công phục hồi trở lại, NHNN hút tiền về cũng không muộn.

Có thể, NHNN nên xem xét việc cho phép một số lượng khá lớn các NHTM hiện có khó khăn về thanh khoản vay tiền từ NHNN, thế chấp bằng bộ hồ sơ tín dụng. Điều này, một mặt hỗ trợ thanh khoản cho NHTM, trên nền tảng đó bơm tiền ra lưu thông nhanh nhất.

Cùng với đó là sử dụng công cụ bơm hút OMO. Tuy nhiên việc bơm tiền qua OMO của NHNN có thể bị hạn chế bởi còn phụ thuộc các NHTM có nhu cầu hay không?

Nếu NHNN không bơm tiền vào lưu thông, thì chuyện nới lỏng room tín dụng không có ý nghĩa, chỉ làm cho các NHTM đua nhau tăng lãi suất huy động để có thêm tiền thực hiện room tín dụng. Như vậy, mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa.

Bộ Tài chính cần tìm cách giải phỏng 1 triệu tỷ đồng đầu tư công đang bị "nhốt" tại ngân hàng

Vậy với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính cần phải làm gì, thưa ông?

- Về phía Bộ Tài chính, cần phải tìm cách giải phóng 1 triệu tỷ đồng đầu tư công đang bị "nhốt" tại hệ thống ngân hàng.

Một là, phải tạm ứng cho các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư công để có tiền triển khai dự án.

Hai là, trích 1 nửa trong số 1 triệu tỷ này, thành lập khẩn trương quỹ bão lãnh trái phiếu doanh nghiệp hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu chẳng hạn, như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Tức là, quỹ này có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo tốt và tài sản đảm bảo này được cầm cố tại quỹ.

Khi trái phiếu đến hạn, quỹ sẽ thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư thay doanh nghiệp. Hoặc ngân hàng hay nhà đầu tư mua trái phiếu đã đến hạn sẽ yên tâm khi có bảo lãnh của Chính phủ. Người đi buôn trái phiếu vừa được hưởng lãi suất cao và được Chính phủ bảo lãnh sẽ quyết định đầu tư trái phiếu.

"Tóm lại, bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp đến hạn là một, bảo lãnh cho người mua lại trái phiếu là hai, và bảo lãnh cho việc phát hành trái phiếu mới để đảo nợ là ba, với điều kiện phải có tài sản đảm bảo tại quỹ này", ông Nghĩa nêu.

Tuy nhiên, tài sản đảm bảo phải bằng 1,5 lần số trái phiếu được bảo lãnh trở lên, như Hàn Quốc là 1,7 lần. Hàn Quốc cũng nằm trong tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp và họ mới kích hoạt quỹ này vào tháng 10, và đang thực hiện rất quyết liệt.

Nếu như thanh khoản không được bơm kịp thời, tăng trưởng kinh tế sẽ bị tác động như thế nào?

- Nếu năm nay không bơm tiền ra đủ lưu thông GDP danh nghĩa, mục tiêu tăng trưởng năm sau là 6,5% - theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua sẽ không đạt được, ngược lại lạm phát thì có thể thấp hơn. Theo tính toán của chúng tôi, khi đó tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ 5 – 5,5%. Nếu bơm đủ tiền thì mục tiêu này sẽ đạt được.

- Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem