TT-Huế: Đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ đất phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn
Ngày 10/5, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, vào ngày 9/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã đi kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Hải Minh đã kiểm tra công tác đền bù giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn qua địa bàn tỉnh. Đến nay, công tác này tại đoạn cao tốc qua địa bàn Thừa Thiên Huế đã cơ bản đã hoàn thành. Đối với phần mặt bằng của một số hạng mục phát sinh do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật, ông Hoàng Hải Minh chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thành các thủ tục, bàn giao mặt bằng để nhà triển khai thi công trong tháng 5/2022.
Ông Hoàng Hải Minh cũng đã kiểm tra các mỏ khoáng sản phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn qua địa bàn tỉnh. Trước nhu cầu sử dụng hàng trăm ngàn m3 đất san lấp phục vụ gói thầu XL5, XL 6 dự án, ông Hoàng Hải Minh chỉ đạo các sở ngành liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp phép theo quy định để có nguồn đất cung cấp cho dự án.
Theo ông Hoàng Hải Minh, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, trong đó dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022. Vì vậy, các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Quá trình thi công, các nhà thầu cần đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hạn chế gây tác động ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, sinh hoạt và sản xuất của người dân, có phương án hỗ trợ, trả lại hiện trạng sau khi hoàn thành dự án.
Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương và đơn vị thi công sớm có phương án khắc phục, đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân.
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự án được khởi công từ tháng 9/2019, tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng…
Dự án đoạn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến nay việc thi công dự án qua địa phận tỉnh này vẫn còn thiếu hàng trăm ngàn m3 đất san lấp. Nếu các mỏ đất san lấp phục vụ dự án không được mở rộng, cấp phép mới kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ dự án sẽ chậm tiến độ.