Tự doanh công ty chứng khoán “đi ngược” thị trường
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) cho rằng, những phiên giảm điểm mạnh là cơ hội lớn cho nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu danh mục, đặc biệt cho mục tiêu dài hạn đối với những cổ phiếu đã giảm sâu.
Về hoạt động tự doanh của MBS, tuy không chia sẻ con số cụ thể, nhưng ông Hà cho biết, MBS thực hiện mua ròng trong những phiên vừa qua.
MBS cũng đưa ra những khuyến nghị mua đối với những cổ phiếu cơ bản tốt, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như y tế, dược, ngân hàng, bán lẻ, công nghệ, sản xuất và phân phối điện…
Giám đốc khối tự doanh của một CTCK tại Hà Nội chia sẻ, thị trường chứng khoán quốc tế đang phân hóa, nhóm các thị trường phát triển khu vực Bắc Mỹ và châu Âu trụ vững trước nỗi sợ đại dịch viêm phổi, trong khi các thị trường mới nổi khu vực châu Á chưa bình ổn tâm lý.
Ở thời điểm hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở vùng thấp nhất của 2 năm, nên nhiều CTCK đẩy mạnh mua ròng.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, các CTCK đẩy mạnh tự doanh ngoài việc tự đầu tư cho công ty, còn để hoán đổi cho Quỹ ETF VN30 khi thực hiện cơ cấu…
“Tôi nhìn nhận mua cổ phiếu lúc này vẫn trong tình trạng bắt dao rơi. Cơ hội là có, nhưng rủi ro cũng nhiều”, vị giám đốc trên nói.
Thống kê của Fiinpro và HSC cho thấy, trong 3 phiên thị trường giảm điểm mạnh nhất (30/1, 31/1 và 3/2), khối tự doanh CTCK mua ròng lần lượt 121 tỷ đồng, 270 tỷ đồng và 93 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất trong phiên 31/1 là ROS với giá trị 147 tỷ đồng, tiếp đó là MWG và PLX với giá trị lần lượt 33,5 tỷ đồng và 15 tỷ đồng.
Ở chiều bán, NT2 bị bán ròng mạnh nhất bởi khối tự doanh với 11 tỷ đồng. Đáng chú ý, VNM bị bán ròng trở lại với 7,4 tỷ đồng. Dù vậy, khi đà tăng của thị trường được kìm hãm, khối này lại thực hiện bán ròng trong 2 phiên giao dịch 4/2 và 5/2 (xem Bảng 1).
Nhìn lại diễn biến năm 2019, mặc dù thị trường chung không tích cực, nhưng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và khối tự doanh CTCK nói riêng đều ghi nhận mua ròng, trong đó khối tự doanh mua vào 896,6 triệu chứng khoán (bao gồm cả cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu).
Mặc dù tổng khối lượng bán ròng đạt 120 triệu cổ phiếu, nhưng tính về giá trị, khối này mua ròng 57,3 tỷ đồng.
Trong đó, MSN là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với hơn 1.163 tỷ đồng.
Thực tế nhịp giảm điểm gần đây đã khiến mặt bằng giá của nhiều bluechips trở về mức định giá khá hấp dẫn.
Việc đầu tư vào các bluechips vốn được nhìn nhận sẽ có độ an toàn cao hơn, do đó, dễ hiểu vì sao nhóm cổ phiếu này vẫn lọt vào danh mục mua ròng đối với hoạt động tự doanh của nhiều CTCK.