Tư vấn Pháp nói gì về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông?

17/10/2019 12:19 GMT+7
Theo tư vấn Pháp, phải mất nửa năm hoặc lâu hơn nữa tùy vào thái độ và trách nhiệm của chủ đầu tư và Tổng thầu Trung Quốc thì tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới vận hành thương mại được.

Cảnh báo từ nhiều năm trước

Với trách nhiệm được Thủ tưởng Chính phủ giao trực tiếp kiểm tra, giám sát và đánh giá công tác thi công các dự án giao thông trọng điểm có sử dụng ngân sách trên địa bàn Hà Nội, từ khi dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được lập và phê duyệt năm 2008, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước (NTNN) đã thẩm định hồ sơ, giám sát thi công về sau.

Với thiết kế hướng tuyến dự án, đại diện Hội đồng NTNN cho biết, Việt Nam là nước nhiệt đới nên quanh năm mưa ẩm, bụi bặm, do vậy để dự án phát huy hiệu quả cũng như tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là đối tượng hành khách là học sinh, sinh viên, công sở dễ dàng tiếp cận, trong khu vực nội đô, thành viên Hội đồng NTNN và chuyên gia đã góp ý dự án nên đi ngầm, giống nhiều tuyến đường sắt đô thị ở các tuyến ở Nhật Bản, Pháp… Như vậy vừa không phải giải phóng mặt bằng nhiều vừa không ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc, mặt khác còn giúp người dân tiếp cận dự án trong mọi điều kiện thời tiết.

Tư vấn Pháp nói gì về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông? - Ảnh 1.

Tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang phải “nằm bờ” vì thiếu hồ sơ kỹ thuật. Ảnh: T.Đảng

Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư khi đó cho rằng, các tuyến bên Đức, Ý, thậm chí Trung Quốc cũng làm nổi cả. Đây là suy nghĩ không còn phù hợp vì các tuyến đường sắt đô thị tại Đức, Ý đã xây dựng cả 100 năm, Trung Quốc mới nhưng cũng hàng chục năm, nay nhu cầu đi lại và sự phát triển đô thị đã khác nên việc thiết kế tuyến phải lựa chọn phương án phù hợp.

Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và thành viên Hội đồng NTNN khi đó không được đại diện chủ đầu tư lắng nghe, đến nay toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trải dài hơn 13 km đi trong và ngoại thành đều đi nổi, hứng chịu toàn bộ nắng mưa.

Ngoài phải giải phóng mặt bằng nhiều, kéo dài thời gian thi công, phát sinh chi phí lớn, việc tuyến đi trên cao cũng khiến các ga tàu cũng phải bố trí trên cao, ngoài trời. “Hà Nội là thành phố nhiệt đới, cùng với phố phường ồn ào, ô nhiễm, thời tiết thường xuyên mưa gió, nóng bức thất thường, việc các tuyến đi nổi và xây dựng cầu thang để hành khách tiếp cận tàu sẽ có những bất tiện”, đại diện Hội đồng NTNN đánh giá.

6 tháng để khắc phục những tồn tại

Với quá trình thi công và hồ sơ kỹ thuật kèm theo, đại diện Hội đồng NTNN cho rằng, ban đầu Tổng thầu Trung Quốc thiết kế hồ sơ thi công tổng thể, tuy nhiên trong quá trình thực hiện do dự án nhiều lần điều chỉnh thiết kế, đặc biệt là hạng mục (gói thầu) các ga, đề-pô…, sau đó hồ sơ kỹ thuật lại không được quan tâm xử lý kịp thời dẫn đến bị chậm hoặc chưa có. Đây là nguyên nhân chính khiến dự án đến nay, tất cả các gói thầu đã xong nhưng hồ sơ hoàn công, hồ sơ an toàn kỹ thuật tổng thể thiếu hoặc không đầy đủ. Dẫn đến, Hội đồng NTNN không có đủ cơ sở để nghiệm thu, đưa dự án đi vào hoạt động.

Theo Hội đồng NTNN, sau khi phát hiện các thiếu sót này, trong các năm 2013 - 2015 đại diện Hội đồng NTNN đã yêu cầu chủ đầu tư và Tổng thầu khắc phục, sau đó mới tiếp tục thi công các phần việc khác, tuy nhiên đến nay thì mọi việc vẫn xảy ra như vậy (?!).

Báo cáo với lãnh đạo Chính phủ vừa qua, ông Phạm Minh Hà, đại diện Hội đồng NTNN cho biết, trong tuần này, Hội đồng NTNN sẽ làm việc với Bộ GTVT về nội dung trên để xem xét các vướng mắc, từ đó sẽ đưa ra các phương án tháo gỡ.

Nhằm điều chỉnh lại những bất cập của dự án trong đó có hồ sơ kỹ thuật, hiện dự án đang được tư vấn Pháp kiểm định lại toàn bộ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Từ đó có cơ sở để Hội đồng NTNN nghiệm thu, đưa dự án đi vào hoạt động.

Tuy nhiên qua một thời gian tiếp cận dự án, tư vấn Pháp cho rằng: có nhiều vấn đề không đồng bộ tại dự án, trong khi điều kiện để tầu vận hành là phải được kết nối đồng bộ. Chỉ ra những vấn đề chưa đồng bộ của dự án, tư vấn Pháp cho rằng, hiện hồ sơ thi công chưa đầy đủ, hồ sơ về hệ thống an toàn dự án cũng vậy. 

Từ việc phát hiện ra, đề nghị chủ đầu tư và Tổng thầu khắc phục, tư vấn Pháp cho biết, phải mất nửa năm hoặc lâu hơn nữa tùy vào thái độ và trách nhiệm của mỗi bên.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km được chủ đầu tư là Bộ GTVT khởi công tháng 10/2011. Dự án có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015. Tuy nhiên đến nay mặc dù đã 8 lần lỡ hẹn và đội vốn từ hơn 8.000 tỷ lên 18.000 tỷ nhưng vẫn mịt mù ngày vận hành chính thức.


Theo Tiền Phong
Cùng chuyên mục