Từ vụ Pate Minh Chay, lộ diện nhiều "lỗ hổng”?

11/09/2020 10:25 GMT+7
Nhìn từ câu chuyện Pate Minh Chay, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc cho tự công bố chất lượng sau hậu kiểm là một bài toán bất cập. Đây là một “lỗ hổng” lớn trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm cần phải xem xét lại.

Trong những ngày vừa qua, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rộ lên vụ ngộ độc do ăn phải Pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới ở Đông Anh Hà Nội. 

Xác định ban đầu cho thấy đây là một vụ việc rất nghiêm trọng về VSATTP trong năm 2020. Các cơ quan quản lý Nông nghiệp, Công thương và Y Tế đã vào cuộc để kiểm tra nguyên nhân của vụ việc. Ngoài ra, cục ATTP Bộ Y Tế đã đề nghị Cơ quan Công An điều tra làm rõ vụ việc này để trả lời trước công luận về sự việc của Pate Minh Chay.

Tuy nhiên, nhãn tiền có thể nhận thấy, sự phức tạp về quy mô và tính chất của vụ việc. Bởi số lượng Pate Minh Chay được tung ra thị trường kể cả bán trực tiếp và bán online lên tới 12.000 khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm này.

Từ vụ Pate Minh Chay, lộ diện nhiều "lỗ hổng”? - Ảnh 1.

Nhiều người ngộ độc khi sử dụng Pate Minh Chay

Lộ diện nhiều "lỗ hổng" nhìn từ vụ Pate Minh Chay

Nhìn nhận về sự việc, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội chỉ ra 4 điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, theo quy định hiện nay, phần lớn những sản phẩm thực phẩm thông qua chế biến đang lưu hành trên thị trường nội địa đều được cấp Giấy phép đủ điều kiện sản xuất kinh doanh của cấp có thẩm quyền của các Bộ ngành liên quan. Sau đó, doanh nghiệp được phép tự công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và trước khi lưu hành trên thị trường.

Theo ông Phú, đây là một "lỗ hổng" lớn trong công tác quản lý cần phải xem xét lại. Bởi một khi doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP và đã tự công bố chất lượng sản phẩm của mình thì sản phẩm thường xuyên được tung ra thị trường.

Vì vậy, trong thực tế không có doanh nghiệp nào tự công bố "sản phẩm mình không đạt chất lượng", mặc dù từng lô hàng sản xuất ra có thể chất lượng, tính an toàn không đồng đều nhau, thậm chí là vi phạm ATTP.

Thứ hai, với điều kiện hiện nay, nước ta có hàng chục vạn cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm đa phần là nhỏ lẻ đang hoạt động. Do đó, việc cho tự công bố chất lượng sau hậu kiểm là một bài toán khó khăn và bất cập. Thậm chí, chúng ta không thể thực hiện được.

Cũng phải nhấn mạnh, tại Việt Nam, kỷ luật thị trường, kỷ luật sản xuất kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp và trong mỗi con người Việt chưa được tự giác đến mức độ tuân thủ các quy định của pháp luật một cách nghiêm túc 100%.

"Với trình độ nhận biết còn hạn chế. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp không hề nhỏ. Như vậy, các cơ quan quản lý của các bộ ngành liệu có hậu kiểm kịp thời và đầy đủ những sản phẩm tung ra thị trường hàng tháng hàng năm hay không? Điều đó mặc dù chưa có số thống kê nhưng chắc chắn là khó có thể thực hiện được trọn vẹn", ông Phú nhận định.

Từ đó dẫn tới những sơ hở bị lợi dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả quyền lợi của người tiêu dùng và xã hội.

Vấn đề thứ ba, câu chuyện của 1 kg thịt lợn trước đây do 3 Bộ quản lý: Bộ Nông nghiệp quản lý chăn nuôi, Bộ Công thương quản lý việc lưu thông thịt lợn đã giết mổ và Bộ Y tế quản lý các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến vẫn còn nguyên giá trị thời sự về công tác quản lý cho đến hôm nay.

Ông Phú nói, khi xảy ra vụ việc Pate Minh Chay thì Cơ quan Nông nghiệp địa phương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chế biến sản phẩm. Sau đó thì lại mời Cơ quan Y tế và Công thương vào xem xét kiểm tra và xử lý.

Chính sự phân công "cắt khúc" dễ dẫn tới những "đùn đẩy" trách nhiệm giữa các Bộ với nhau khi xảy ra các vụ việc. Mặt khác, chậm thời gian xử lý kịp thời những vụ việc nghiêm trọng.

Trên thực tế, hậu quả qua vụ việc này thì từ khi phát hiện đến khi đình chỉ lưu thông và thông báo cho người tiêu dùng mất tới tận 9 ngày.

Từ vụ Pate Minh Chay, lộ diện nhiều "lỗ hổng”? - Ảnh 3.

Từ vụ Pate Minh Chay, lộ diện nhiều "lỗ hổng" trong quản lý an toàn thực phẩm (Ảnh minh họa)

Liên quan đến luật, theo vị chuyên gia này, chúng ta đã có khá đầy đủ các luật liên quan đến ATTP như luật Bảo vệ Người tiêu dùng, luật Chất lượng hàng hóa… Tuy nhiên, các nghị định hướng dẫn vẫn chưa thật đầy đủ, còn thiếu và chồng chéo cũng làm cho công tác quản lý thực sự gặp nhiều khó khăn. Chính lãnh đạo Tổng Cục Quản lý Thị trường thuộc Bộ Công thương đã từng thừa nhận: "Hiện nay hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia hoặc các quy định về an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm còn thiếu và chưa rõ ràng, thực tế này đã gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường"

Rõ ràng, đây cũng là một nguyên nhân làm cho công tác quản lý ATTP gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao, người tiêu dùng vẫn phải chịu trận với ma trận hàng hóa trên thị trường hiện nay, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến được tung ra thị trường hàng ngày.

Lấp "lỗ hổng" trong quản lý bằng cách nào?

Qua những vấn đề nêu trên, ông Phú cho rằng, trước hết cần phải xem xét lại việc cho phép tự công bố chất lượng còn các cơ quan quản lý chỉ làm nhiệm vụ hậu kiểm sau khi sản phẩm đã được tiêu thụ.

"Đó là một "sơ hở chết người" cần phải xem xét lại. Cần kiến nghị những mặt hàng thực phẩm thiết yếu đối với đời sống xã hội của hàng trăm triệu người tiêu dùng hàng ngày, phải được tiền kiểm, quản lý chặt chẽ từng đợt hàng sản xuất trước khi tung ra thị trường", vị chuyên gia đánh giá.

Tiếp theo, cần phải xem lại việc phân công nhiều bộ ngành quản lý an toàn thực phẩm, đó là điều mà các nước tiên tiến không làm.

Ông Phú cho rằng, cần phải có một cơ quan quản lý ATTP nhà nước ở cấp Bộ hoặc cấp Cục, có quyền kiểm tra giám sát xử lý, các Bộ ngành liên quan chỉ tham gia phối hợp.

Đồng thời, nâng cao chế tài xử lý các chế tài xử lý các vụ việc nghiêm trọng về ATTP đến mức phải xử lý hình sự hoặc rút đăng ký sản xuất kinh doanh vô thời hạn. Kỷ cương về ATTP cần phải được siết chặt để những cá nhân tổ chức không tuân thủ pháp luật sẽ không dám làm chứ không "chót làm" để chịu xử lý một cách khá nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe như hiện nay.

Cuối cùng, cần phải xây dựng các Nghị định, Quy định về tổ chức chuỗi sản xuất phân phối bán buôn bán lẻ của các loại lương thực thực phẩm thiết yếu cho đời sống của xã hội.

Trong đó, chỉ rõ cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm của từng khâu trong chuỗi đó. Đồng thời, các giao dịch mua bán vận chuyển giữa các công đoạn phải có hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc rõ ràng của sản phẩm sẽ đem được đi tiêu thụ. Có như vậy, mới bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, xã hội.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục