"Không thể cùng lúc ổn định tỷ giá và lãi suất"
Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Chí Quang cho biết, xu hướng lạm phát quốc tế vẫn tiếp tục ở mức cao.
Ngày 22/9/2022, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và sau 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành (federal funds rate) lên mức 3-3,25%/năm, đồng thời Fed dự báo tiếp tục tăng lãi suất và duy trì trên 4%/năm sau năm 2023 để kiềm chế lạm phát, chỉ số USD tăng cao kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây.
Động thái của Fed đã "kích" hoạt hàng loạt NHTW trên thế giới nâng lãi suất. Trong đó, Việt Nam cũng ngay lập tức tăng thêm 1% tất cả lãi suất điều hành, tăng 0,3% đối với trần lãi suất có kỳ hạn dưới 1 tháng và 1% với kỳ hạn 1 tháng – 6 tháng.
Lý giải về quyết định tăng lãi suất điều hành
Thông tin chi tiết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu, doanh nghiệp FDI xuất siêu, do đó theo ông Quang, áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn. Việc để VND mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước. Do đó, điều hành chính sách tiền tệ phải cố gắng giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát.
Nhưng về nguyên lý, không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá. Chính vì thế khi Fed tăng nhanh, mạnh lãi suất với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 40 năm đã dẫn đến mặt bằng chung tỷ giá toàn cầu xáo trộn, buộc một loạt ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất để đảm bảo tỷ giá đồng tiền của họ không mất giá quá lớn.
"Đối với Việt Nam, thời gian qua, chúng ta điều hành khá thành công, giữ được tiền đồng không quá mất giá. Nếu chúng ta giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn như thế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Chúng ta định hướng giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền.
NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô" – ông Phạm Chí Quang lý giải.
"Giải bài toán" lãi suất điều hành và huy động tăng nhưng không tăng lãi suất cho vay
Thông tin về việc giảm lãi suất theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, ông Phạm Chí Quang cho biết, NHNN đã kiên định, liên tục nhiều lần báo cáo Chính phủ, Quốc hội để giải trình những khó khăn trong điều hành lãi suất.
Theo ông, thời điểm ban hành các Nghị quyết trên, điều kiện kinh tế toàn cầu và trong nước hoàn toàn khác bây giờ.
"Thời điểm đó, Fed tuyên bố lạm phát Mỹ chỉ là tạm thời. Đến nay, Fed đã thừa nhận điều đó là hoàn toàn sai lầm, lạm phát cao không phải là tạm thời mà có tính dai dẳng. Chính sách tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương thế giới cũng thay đổi rất nhiều. Thêm vào đó, căng thẳng Nga – Ukraine dẫn đến giá dầu tăng đã đổ thêm dầu vào lửa vào trào lưu tăng lạm phát" – ông nói
Ngoài ra, tại Nghị quyết 43 đề cập "phấn đấu giảm lãi suất cho vay", không khẳng định sẽ giảm được. Để phấn đấu, ông Quang cho biết, NHNN đã phối hợp nhiều công cụ chính sách tiền tệ, như hỗ trợ thanh khoản, chia sẻ áp lực đối với lãi suất, tỷ giá, đề nghị các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất.
Các nhiệm vụ mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới.
Thứ nhất, mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô được coi là mục tiêu ưu tiên số 1 trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Hai là, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện nhanh chóng để khôi phục nền kinh tế sau dịch, đảm bảo tăng trưởng kin tế trên 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Ba là, đảm bảo thanh khoản của các TCTD đối với nền kinh tế; đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD bằng các công cụ kiểm soát, các chỉ số đảm bảo an toàn của các TCTD, tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Các công cụ điều hành chính sách tiền tệ cũng phải đảm bảo mục tiêu yêu cầu đảm bảo an toàn.
Bốn là, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành liên quan làm tốt công tác tín dụng đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng, chính sách xã hội, đặc biệt là chương trình Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất vẫn là kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trước những biến động khó lường của thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế.