Tỷ phú Jack Ma chỉ 5 cách tái thiết doanh nghiệp giữa dịch virus corona

19/02/2020 16:37 GMT+7
Jack Ma, nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba mới đây chia sẻ rằng dịch virus corona bùng phát thực chất mang đến cơ hội cho doanh nghiệp tái thiết và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo khi dịch bệnh lắng xuống.

"Dịch virus corona là cơ hội cho các doanh nghiệp tái thiết"

Tỷ phú Jack Ma hồi tuần trước đã có một buổi trò chuyện với sinh viên trường đại học Hupan College (Hàng Châu) về hướng đi mới cho doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch virus corona bủa vây đất nước. Jack Ma đã thành lập nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao vào năm 2003, khi Trung Quốc lao đao vì đại dịch suy hô hấp cấp SARS. Hiện nay, Taobao là một trong những trang web thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với khối lượng giao dịch vượt quá 3.000 tỷ NDT từ năm 2017. Dù đã từ chức CEO Alibaba hồi năm ngoái, Jack Ma hiện vẫn là doanh nhân giàu nhất Trung Quốc và là một trong những tỷ phú giàu nhất Châu Á với tổng tài sản ước tính 39 tỷ USD.

Vị tỷ phú chỉ ra rằng tương tự như hồi đại dịch SARS, dịch virus corona thực chất là cơ hội cho các doanh nghiệp tái thiết và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau đó, khi đại dịch được kiểm soát. Đồng quan điểm với Jack Ma, nhà phân tích Deborah Tan từ Moody’s Investors Service cũng chỉ ra rằng sự bùng phát dịch virus corona thực chất làm tăng thêm triển vọng phát triển trong bối cảnh quỹ đạo tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á dó dấu hiệu thu hẹp.

“Với điều kiện đảm bảo các quy định phòng ngừa và kiểm dịch, các công ty nên được chính quyền phê duyệt trở lại sản xuất càng nhanh càng tốt” - tỷ phú Jack Ma nhấn mạnh. Trước đó, Jack Ma từng quyên góp 100 triệu NDT (Khoảng 14,4 triệu USD) cho công tác phát triển vaccine phòng ngừa virus corona.

Tỷ phú Jack Ma: Dịch virus corona là "cơ hội" cho doanh nghiệp" - Ảnh 1.

Tỷ phú Jack Ma đã quyên góp 100 triệu NDT để phát triển vaccine phòng virus corona

Thực tế, kể từ tuần này, nhiều địa phương tại Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế giao thông trong nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau nhiều tuần trì trệ. Thành phố Phật Sơn - một trong tâm sản xuất thiết bị điện tử và gia dụng ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - đã cho phép các doanh nghiệp mở cửa sản xuất trở lại mà không cần được chính quyền cấp phép kể từ 19/2. Thành phố Trung Sơn được cấp phép trước đó một ngày, tức  ngày 18/2.

Ở phía Đông tỉnh Chiết Giang, các thành phố Hàng Châu và Ninh Ba cũng bắt đầu cho phép doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Ước tính của các nhà phân tích Morgan Stanley kỳ vọng khoảng 60-80% năng lực sản xuất của Trung Quốc sẽ khôi phục vào cuối tháng 2. 

Jack Ma rút ra 5 chiến lược giúp doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn 

Trong buổi trò chuyện, Jack Ma còn nhắc tới Kazuo Inamori, nhà sáng lập Tập đoàn Kyocera và hiện là CEO hãng hàng không Japan Airlines trong thời điểm hãng này bị dồn vào con đường phá sản. Chính Kazuo Inamori đã tái cơ cấu và đưa Japan Airlines trở lại niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo vào tháng 11/2012. Tỷ phú Jack Ma chỉ ra 5 chiến lược cứu công ty trong thời kỳ suy thoái của Kazuo Inamori bao gồm:

Chiến lược thứ nhất: Biến mọi nhân viên thành nhân viên bán hàng. “Ngay cả trong những công ty sở hữu công nghệ hàng đầu, bán sản phẩm vẫn là nền tảng hoạt động của công ty. Công ty không thể có doanh số trong thời kỳ suy thoái nếu nhân viên không nỗ lực hết mình phục vụ khách hàng”. 

Chiến lược thứ hai: Không cần nỗ lực phát triển sản phẩm mới, khách hàng sẽ giúp bạn. Theo Kazuo Inamori, suy thoái là cơ hội vàng để doanh nghiệp đổi mới. Những khách hàng thường rảnh rỗi vào thời điểm suy thoái. Chính họ là người đề xuất ý tưởng mới nếu doanh nghiệp chịu lắng nghe. Điều này sẽ tạo ra những đổi mới đáng kinh ngạc.

Chiến lược thứ ba: Cắt giảm chi phí triệt để. Cũng theo Kazuo Inamori, suy thoái là cơ hội duy nhất để cắt giảm chi phí, vì khi chưa bước vào thời kỳ này, nhiều doanh nghiệp sẽ không nghĩ đến việc nỗ lực tối ưu chi phí sản xuất để giảm điểm hòa vốn. 

Chiến lược thứ tư: Duy trì năng suất sản xuất cao bằng cách phân công lại lao động dư thừa, tái cơ cấu doanh nghiệp, điều chỉnh chu trình làm việc tối ưu hơn. 

Chiến lược thứ năm: Thiết lập quan hệ đoàn kết. Thời kỳ suy thoái cũng là cơ hội mối quan hệ giữa người quản lý và nhân viên trở nên khăng khít hơn thông qua việc hỗ trợ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Kazuo Inamori nhấn mạnh.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục