Vắc xin Covid-19: mặt trận tiếp theo trong cuộc đụng độ Trung - Úc

03/08/2021 08:59 GMT+7
Căng thẳng Trung Quốc - Úc gần đây đã mở rộng sang lĩnh vực tiếp cận vắc xin Covid-19, khi quốc gia Thái Bình Dương Papua New Guinea trở thành điểm nóng tranh cãi.

Cả Trung Quốc và Úc đã viện trợ vắc xin Covid-19 cho Papua New Guinea. Nhưng Bắc Kinh mới đây cáo buộc Úc đang phá hoại khả năng tiếp cận vắc xin ở quốc đảo Thái Bình Dương này bằng việc cố gắng “bôi nhọ” và ngăn sử dụng vắc xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất.

Dù chỉ có dân số gần 9 triệu người, Papua New Guinea là một trong những quốc gia có nền văn hóa đa dạng nhất trên hành tinh với hàng nghìn cộng đồng khác biệt sinh sống trên những hòn đảo, cụm đảo hiểm trở và xa xôi. Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Papua New Guinea đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong nỗ lực tiếp cận vắc xin Covid-19 khi số ca nhiễm Covid-19 trong nước tăng vọt từ tháng 3 năm nay.

Úc đã gửi 28.000 liều AstraZeneca đến Papua New Guinea kể từ tháng 3. Nước này cũng tài trợ 278.000 liều vắc xin khác cho Sáng kiến liên minh vắc xin toàn cầu COVAX mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO hậu thuẫn. 

Trong khi đó, Trung Quốc cũng gửi 200.000 liều vắc xin Sinopharm đến Papua New Guinea. Các lô hàng bị trì hoãn đến tận tháng 6 qua do  Papua New Guinea chờ WHO phê duyệt sử dụng vắc xin do Trung Quốc sản xuất. 

Vắc xin Covid-19: mặt trận tiếp theo trong cuộc đụng độ Trung - Úc - Ảnh 1.

Các quan chức Úc vận chuyển hàng nghìn liều vắc xin AstraZeneca viện trợ đến Papua New Guinea khi quốc đảo Thái Bình Dương vật lộn với sự lây lan dịch bệnh hồi tháng 3 (Ảnh: AFP)

Bị kẹt giữa Trung Quốc và Úc, thách thức mà quốc đảo Thái Bình Dương gặp phải đã chuyển từ nguồn cung vắc xin sang vấn đề hậu cần xung quanh nỗ lực tiêm chủng trong nước, khi một số lô vắc xin sắp hết hạn sử dụng. “Thách thức lớn nhất là đưa vắc xin này đến tay người dân” - theo ông Jonathan Pryke, giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Lowy. 

Theo giới truyền thông Papua New Guinea, trong số 200.000 liều vắc xin Sinopharm do Trung Quốc viện trợ, mới chỉ có 4.000 liều được sử dụng, hầu hết là dành cho công dân Trung Quốc tại Papua New Guinea.

Tháng trước, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã cáo buộc Úc đứng sau nỗ lực “phá hoại vắc xin” khi “ngăn chặn các quan chức cấp cao Papua New Guinea tiếp nhận vắc xin của Trung Quốc”. 

Nhưng phía Úc thẳng thừng phủ nhận cáo buộc này. Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương của Úc, ông Zed Seselja khẳng định: “Vấn đề sức khỏe cộng đồng là mối quan tâm chung toàn cầu. Mọi quyết định về việc phê duyệt hay sử dụng vắc xin là vấn đề mang tính chủ quyền của mỗi quốc gia”.

Vụ tranh cãi mới nhất liên quan đến khả năng tiếp cận vắc xin của Papua New Guinea được xem là mặt trận tiếp theo trong căng thẳng Trung - Úc, khi cả hai quốc gia tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương. 

Thủ tướng Australia Scott Morrison từng gọi khu vực Thái Bình Dương gần đó là “gia đình của chúng ta”. Với mối quan hệ sâu sắc về địa lý, văn hóa và lịch sử, Úc cho đến nay là nhà tài trợ viện trợ lớn nhất cho khu vực này. Theo Bộ trưởng Seselja, Úc có kế hoạch viện trợ 15 triệu liều vắc xin cho toàn khu vực Thái Bình Dương từ nay đến giữa năm 2022.

Tuy nhiên, không khó để thấy Trung Quốc cũng đang tăng cường viện trợ, thương mại và đầu tư tại khu vực này. Viện trợ vắc xin Covid-19 cho Papua New Guinea chỉ là một ví dụ.

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra vốn đã trở nên rạn nứt khi chính phủ Canberra cấm Huawei tham gia cung cấp thiết bị linh kiện cho mạng 5G vào năm 2018. Sau đó, vào đầu năm 2020, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Chính phủ Bắc Kinh sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc do các biện pháp hạn chế thương mại từ Bắc Kinh.

Khi mối quan hệ song phương ngày càng đi xuống, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian hồi tháng 7 khẳng định: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào thu lợi từ việc kinh doanh tại Trung Quốc trong khi phía sau họ vẫn cáo buộc và bôi nhọ Trung Quốc một cách vô căn cứ”.


NTTD
Cùng chuyên mục