VDSC: Ngành bán lẻ có thể tăng trưởng tới 58%
Hoạt động sản xuất phục hồi như kỳ vọng
Theo số liệu chính thức của Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tiếp tục được điều chỉnh giảm từ mức tăng 11,2% xuống còn 9,5%, trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giảm từ mức 13,1% còn 11,1%.
Tuy nhiên, tăng trưởng SXCN trong tháng 8 ghi nhận mức tăng mạnh với mức tăng 15,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do ảnh hưởng của mức nền thấp của cùng kỳ năm trước. Những ngành đóng góp vào mức tăng mạnh của chỉ số SXCN trong tháng qua gồm Thực phẩm (tăng 22,8%) & Đồ uống (tăng 101,5%), Da giày (tăn g57,0%) & Dệt may (tăng 28,2%), Máy móc & Thiết bị (tăng 69,5%), Gỗ (tăng 45,5%), và Dược phẩm (tăng21,5%). So với tháng trước, lĩnh vực công nghiệp vẫn tăng trưởng 2,9% so với số liệu đã điều chỉnh của tháng 7, đà tăng theo tháng của lĩnh vực SXCN được hỗ trợ bởi ngành Điện tử (tăng12,0% so với tháng trước).
Theo ước tính của Tổng Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong tháng 8, tăng 22,1% so với cùng kỳ và 9,1% so với tháng trước. Tương tự như diễn biến của tăng trưởng sản xuất công nghiệp, mức tăng cao của xuất khẩu so với cùng kỳ được dẫn dắt bởi mức nền thấp của các ngành Thủy sản (tăng 51,3%), Dệt may (tăng 42,4%), Túi xách (tăng 201,9%) & Da giày (tăng 186,5%), Gỗ (tăng65,0%), riêng các mặt hàng Điện tử chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, mức tăng theo tháng của xuất khẩu lại được dẫn dắt bởi mặt hàng Điện tử (tăng 22,9% so với tháng trước).
Nhìn chung, nếu không xét đến yếu tố mức nền thấp của cùng kỳ do ảnh hưởng của đợt phong tỏa diễn ra năm ngoái, động lực tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp đang được duy trì nhờ sản xuất mặt hàng Điện tử, xuất khẩu của nhóm này cũng đang là trụ đỡ chính cho tăng trưởng xuất khẩu. Đà tăng của các nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như Dệt may, Thủy sản và Gỗ chững lại đáng kể so với các tháng trước.
VDSC dự báo về tổng thể, quý III sẽ là một quý khởi sắc của lĩnh vực sản xuất, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ước đạt 13,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 10,8% của quý trước. Theo nhận định của S&P Global, nhu cầu khách hàng ở các nước ASEAN vẫn cao, tuy nhiên, rủi ro nhu cầu giảm trong các tháng tới khi lạm phát kéo dài và các NHTW tiếp tục nâng lãi suất. Việt Nam cũng không tránh khỏi rủi ro này, dù chỉ số PMI tiếp tục cải thiện, chúng tôi nhận thấy nhập khẩu của Việt Nam đang yếu đi nhanh chóng.
Theo ước tính của Tổng Cục Thống Kê nhập khẩu trong tháng 8 chỉ tăng 12,4% so với cùng kỳ và 1,4% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với đà tăng của xuất khẩu. Trong đó, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành Điện tử giảm 1,8% so với cùng kỳ và 0,4% so với tháng trước.
Số liệu chính thức của Tổng Cục Hải Quan cho thấy trong tháng 7, nhập khẩu chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ và giảm 5,3% so với tháng trước.
Các chuyên gia của VDSC nhận định sự yếu đi rõ rệt của hoạt động nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu cho sản xuất hàng Điện tử, vốn đang là cho trụ cột của tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong quý III, báo hiệu sự chững lại trong tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong quý IV.
Lạm phát hạ nhiệt
Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 8 đạt 50,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 42,6% của tháng trước. Trong đó, doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 31,9% và dịch vụ tăng 238,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu so với tháng trước, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 0,6%, trong đó lĩnh vực hàng hóa tăng 0,8% và doanh số bán lẻ dịch vụ không đổi. Điều này cho thấy đà phục hồi của các lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 đã chững lại khi mùa hè kết thúc.
Với đà phục hồi hiện tại, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có thể ghi nhận mức tăng hơn 58,0% so với cùng kỳ trong quý III, cao hơn đáng kể so với mức tăng 19,5% trong quý II.
Lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống, vận tải kho bãi, vui chơi giải trí vốn chiếm khoảng 40% GDP. Trong khi lĩnh vực công nghiệp diễn biến sát với kỳ vọng, mức bật tăng cao trong quý 3 của các nhóm ngành dịch vụ kể trên có thể là catalyst thúc đẩy GDP quý III tăng cao hơn mức dự phóng 10,4% của VDSC.
Dự báo về lạm phát, VDSC nhận thấy giá dầu bình quân từ đầu quý III đến nay chỉ ở mức 100 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với giả định 120 USD/thùng đối với kịch bản lạm phát mà khối phân tích đưa ra trước đó.
Lạm phát tháng 8 đã hạ nhiệt nhờ giá xăng dầu giảm, tuy nhiên vì các nhóm hàng khác vẫn đang trong xu hướng tăng nên lạm phát chung chỉ giảm một chút so với tháng trước, từ mức 3,1% còn 2,9%.
Trong khi đó, lạm phát lõi đang tăng tốc, từ mức tăng 2,6% trong tháng 7 lên 3,1% trong tháng 8.
Các chuyên gia VDSC cho rằng việc giá dầu chững lại đà tăng sẽ phần nào bù đắp cho sự tăng giá của các mặt hàng còn lại, điểm tích cực là lạm phát bình quân cả năm nay có thể sẽ chỉ tiệm cận mà không vượt quá mức mục tiêu 4% mà Chính phủ đã đề ra.