Vì đâu Trung Quốc gấp rút dự trữ hàng hóa chiến lược?

07/09/2020 09:43 GMT+7
Trung Quốc đang gấp rút tăng cường dự trữ lương thực và nhiều hàng hóa chiến lược khác nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày một tăng.
Vì đâu Trung Quốc gấp rút dự trữ hàng hóa chiến lược? - Ảnh 1.

Khi căng thẳng Mỹ Trung leo thang và bất ổn toàn cầu gia tăng, Trung Quốc đang nỗ lực tăng dự trữ hàng hóa chiến lược

Refinitiv mới đây báo cáo các tàu chở dầu Stream and Snow từ Iran đã dừng tại cảng Huệ Châu, Quảng Đông vào tháng 7, mang theo dầu thô cung cấp riêng cho các nhà máy dầu Trung Quốc như China Petroleum & Chemical hay Sinopec. Trước đó, vào năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một kho lưu trữ dầu thuộc sở hữu nhà nước tại cảng này.

Các tàu chở dầu từ Iran cũng nhiều lần cập cảng Trung Quốc trong tháng 8 và dự kiến cả tháng 9 tới. Dữ liệu thống kê chính thức cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 320 tấn dầu thô, tức tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Sự gia tăng diễn ra trong bối cảnh quan ngại về tác động tiềm tàng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và căng thẳng Mỹ - Trung xoay quanh vấn đề nguồn cung. Bắc Kinh đang muốn giữ dự trữ hàng hóa chiến lược ở mức cao để tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung gây tổn thương các ngành công nghiệp trong nước. Trước đó, Trung Quốc cũng được cho là đã tận dụng việc giá dầu lao dốc hồi đầu năm để bổ sung lượng lớn dầu giá rẻ vào kho dự trữ.

Cho đến nay, Trung Quốc luôn giữ bí mật các thông tin liên quan đến kho dự trữ quốc gia và hầu như không công khai con số nào. Nhưng theo tờ Nikkei Asian Review, hồi tháng 8 từng có thông tin rộ lên rằng công ty Antaike (trụ sở Bắc Kinh, thuộc sở hữu nhà nước) đã kiến nghị chính phủ tăng kho dự trữ coban thêm 2.000 tấn. Coban được sử dụng như thành phần quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion và nhiều ứng dụng khác. Việc Trung Quốc đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng các loại xe điện đang làm tăng đáng kể mức tiêu thụ kim loại này.

Chính phủ Trung Quốc được cho là đã mua hơn 2.000 tấn coban mỗi năm trong 2 năm liền, 2015 và 2016. Khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chuyến hàng từ Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia cung cấp phần lớn nguồn cung coban trên toàn cầu, các nhà phân tích dự báo giá coban có thể tăng cao trong nửa cuối năm nay khi các chuyến hàng sang Trung Quốc tiếp tục.

Bên cạnh dầu mỏ và kim loại, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang thực hiện các bước tương tự để đảm bảo an ninh lương thực.

Luật dự trữ phân bón hóa học có hiệu lực vào tuần trước tại Trung Quốc bao gồm các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng kho dự trữ kali riêng, qua đó tăng cường dự trữ một nguồn tài nguyên vốn không dồi dào trong nước, đồng thời đảm bảo nguồn cung phân bón trong trường hợp lũ lụt hoặc thảm họa thiên nhiên khác do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trung Quốc cũng đang dự trữ phần lớn các loại ngũ cốc ở mức cao, trừ đậu nành. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ gạo của Trung Quốc đã tăng gần 20% trong niên vụ 2019-2020, lên hơn 110 triệu tấn. Dự trữ lúa mì tăng khoảng 30% so với bình quân 3 năm trước đó, lên 150 triệu tấn. 

Song song với việc tăng cường dự trữ, chính quyền ông Tập cũng phát động chiến dịch chống lãng phí thực phẩm và tiêu thụ đồ ăn quá mức. Lý do chính được đưa ra là do quan ngại sản lượng ngũ cốc kém trên thị trường quốc tế khiến Trung Quốc khó thu mua đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ trong nước. Đơn cử, năm 2019, nước này đã mua gần 90 triệu tấn đậu nành, chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu trên toàn cầu. Một nỗi lo khác là quan hệ Mỹ - Trung xấu đi có thể cản trở khả năng tiếp cận của Trung Quốc với thị trường lương thực quốc tế. 

Theo tờ Nikkei Asian Review, các báo cáo hồi tháng 4 chỉ ra rằng Trung Quốc đang tích cực dự trữ lượng lớn đậu nành, ngô và dầu ăn. Với nguy cơ lũ lụt tiếp tục xảy ra tại lưu vực sông Dương Tử gây ảnh hưởng đến mùa màng trong nước và sự bùng phát dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung quốc tế, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy dự trữ các hàng hóa chiến lược, đồng thời sử dụng việc nhập khẩu đậu nành và một số nông sản khác như con bài mặc cả trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục