Vì sao startup nông nghiệp Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?
Đây là nội dung được ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) chia sẻ tại Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam lần thứ 4. Sự kiện do Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Ông Thịnh đánh giá, dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới không thiếu, chưa kể Việt Nam là một trong những nước được coi là tam giác vàng của dòng vốn quốc tế. Ông đã gặp nhiều quỹ đầu tư tiếp cận thị trường Việt Nam trong vài năm qua, nhưng số lượng startup nông nghiệp được họ rót vốn còn rất ít.
“Nhà đầu tư cần những doanh nghiệp đạt chuẩn, trong khi startup nông nghiệp của chúng ta đa phần quản trị theo kiểu gia đình, chưa đạt chuẩn về công khai minh bạch”, đại diện NIC cho biết.
Nhìn rộng ra thế giới, ông Thịnh chia sẻ có những cá nhân làm nông nghiệp, chỉ chuẩn bị vài trang giấy A4, là đã gọi được nguồn vốn triệu USD. Hoặc có những doanh nghiệp làm nông nghiệp, sau vài năm phát triển, họ thu hút vài triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Vấn đề với Việt Nam, theo ông, là làm sao khai thác hết lợi thế của mình. Việt Nam có những sản phẩm mà người Việt Nam thấy bình thường, nhưng lại được nước ngoài đánh giá cao, ví dụ như món cà phê sữa đá. Điều này đặt doanh nghiệp nông nghiệp dưới bài toán làm sao biến những điều bình thường trở thành sản phẩm thế mạnh để đưa đi xuất khẩu.
Đặc biệt, đại diện NIC cho rằng vài năm gần đây, tình yêu nông nghiệp của người trẻ đang suy giảm đáng kể. Số lượng học sinh muốn theo học các trường đại học về nông nghiệp, lâm nghiệp giảm theo từng năm, khiến các trường phải vào tận vùng sâu, vùng xa để làm marketing và thu hút học sinh.
“Muốn phát triển nông nghiệp, đầu tiên phải làm sao để mọi người có tình yêu với nông nghiệp. Tôi thấy trong các khóa học khởi nghiệp của trẻ em nhà giàu Dubai, luôn có môn học làm vườn. Đây là cách để đi từ gốc, nuôi dưỡng tình yêu nông nghiệp cho học sinh ngay từ khi còn bé”, ông Thịnh chia sẻ.
Tại sự kiện, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng tiết lộ một con số đáng chú ý: Cả nước có 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong tổng số trên 900.000 doanh nghiệp, đây là con số ông thấy “quá ít ỏi”.
Cho đến nay, dù có nhiều lợi thế và thứ hạng cao trên thế giới về xuất khẩu những mặt hàng chủ lực nhưng ông Lộc đánh giá nông nghiệp Việt Nam về căn bản là nông nghiệp gia công, giá trị gia tăng thấp, giống cây trồng, vật tư, phân bón vẫn phải nhập khẩu. Người nông dân một nắng hai sương nhưng không thể giàu lên từ nông nghiệp.
"Phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phải biến mỗi người nông dân thành một nhà khởi nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được điều này. Chuyển đổi số , chuyển đổi xanh sẽ tiếp sức cho người nông dân và doanh nghiệp", ông Lộc nêu rõ.
Bên cạnh ý kiến của ông Đỗ Tiến Thịnh và ông Vũ Tiến Lộc, các chuyên gia tham dự điễn đàn cũng đặt nhiều vấn đề cho doanh nghiệp nông nghiệp. Ví dụ, ngoài chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần chú ý thiết kế bao bì đẹp, đầu tư vào nhận diện thương hiệu để hấp dẫn khách hàng; cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các trường đạo tào nông nghiệp trong vấn đề nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần kết nối với nhau, hình thành hệ sinh thái trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Hệ sinh thái liên quan đến chữ ‘đủ’, đầy đủ. Mỗi doanh nghiệp trong đó sẽ có thế mạnh riêng, liên kết và nâng đỡ nhau để cùng phát triển”, Tiến sĩ Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia khẳng định.