Vì sao Việt Nam mua nhiều gạo từ Campuchia?

12/06/2022 16:30 GMT+7
Chỉ tính riêng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia 3,52 triệu tấn lúa, tăng 61% so với năm 2020 với giá trị nhập khẩu 631 triệu USD.

Theo Bộ Nông – Lâm – Thủy sản Campuchia, năm 2021, bất chấp dịch bệnh, nước này vẫn xuất khẩu đến 617.069 tấn gạo, thu về hơn 527 triệu USD.

Theo cơ quan này, Campuchia chủ yếu xuất khẩu gạo sang Trung Quốc với lượng 155.773 tấn, tiếp đó là châu Âu với khoảng trên 63.165 tấn, các quốc gia ASEAN (88.422 tấn), trong đó, Campuchia xuất khẩu 3,52 triệu tấn lúa sang Việt Nam, tăng 61,16% so với năm trước.

Có thể thấy, Việt Nam nhập khẩu lượng lúa gạo rất lớn từ Campuchia nếu xét trong tương quan với lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong cùng giai đoạn. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt trên 2 triệu tấn đạt kim ngạch 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các doanh nghiệp, thương mại gạo giữa Việt Nam và Campuchia là “bình thường” trong nhiều năm qua.

Cụ thể, doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu lúa từ Campuchia về xay xát chế biến để xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước.

Sản lượng 1,6 triệu tấn lúa tương đương khoảng 1 triệu tấn gạo thành phẩm. Nhiều loại gạo Campuchia vẫn được ưa chuộng tại thị trường nội địa Việt Nam vì chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu gạo này giúp các doanh nghiệp bổ sung nguồn cung và đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, hoạt động duy trì giao thương này cũng góp phần củng cố an ninh lương thực xuyên biên giới giữa hai nước.

Các chuyên gia cũng nhận định, việc xuất nhập khẩu gạo trong giao thương quốc tế là việc “hết sức bình thường”. Theo các chuyên gia, việc Việt Nam dùng gạo chất lượng cao, giá trị cao để xuất khẩu và một phần tiêu dùng nội địa; còn nhập về gạo có chất lượng thấp hơn để làm nguyên liệu chế biến là việc rất bình thường.

Trước đó, theo quan điểm của GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, việc nhập khẩu thóc từ Campuchia vẫn diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng năm 2021 sản lượng nhập tăng đột biến.

Liên quan đến số lượng 3,5 triệu tấn thóc gạo nhập về từ Campuchia, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, điều này không ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ lúa gạo trong nước.

GS. Võ Tòng Xuân chỉ lưu ý, việc nhập khẩu thóc từ Campuchia phục vụ nhu cầu tiêu dùng gạo thơm của một bộ phận người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng có những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo sang Campuchia thuê đất trồng lúa nên sẽ có lượng thóc lớn về Việt Nam phục vụ chế biến.

Tuy nhiên, điều lo ngại là có thể xảy ra hiện tượng gian lận nguồn gốc xuất xứ, trộn gạo Campuchia vào gạo Việt Nam, làm ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, trong 4 tháng đầu năm 2022, Campuchia xuất khẩu khoảng 1,9 triệu tấn lúa gạo các loại thu về 516 triệu USD. Tuy nhiên, lượng gạo phần lớn được xuất qua Việt Nam.

Cụ thể, Campuchia xuất khẩu hơn 1,6 triệu tấn qua biên giới Việt Nam thu về 376 triệu USD. Đặc biệt, chỉ có khoảng 221.000 tấn gạo thương phẩm xuất vào các thị trường còn lại.

Đặc biệt, nhà chức trách Campuchia kỳ vọng rằng, với xuất khẩu gạo tăng gần 15% trong 4 tháng đầu năm 2022, ngành lúa gạo nước này sẽ tăng trưởng thêm khoảng 700.000 - 800.000 tấn trong năm nay do nhu cầu lương thực tăng cao trên toàn cầu, đặt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, xung đột, biến động như hiện nay.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục