Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD, giá duy trì ở mức cao

09/05/2022 16:06 GMT+7
4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam có đà hồi phục ấn tượng, giá trị xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD. Đặc biệt, giá gạo của Việt Nam duy trì ở mức cao so các với các nước như Thái Lan, Ấn Độ.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD

Trong tháng 4, Việt Nam xuất khẩu khoảng 550 nghìn tấn gạo với giá trị đạt 273 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 2,05 triệu tấn với giá trị 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so các với các nước. Đơn cử như, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4 ở mức 410 - 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361 – 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước. Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4, thì giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD, giá duy trì ở mức cao - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD, giá duy trì ở mức cao.

Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 42,6% thị phần. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (76% so với cùng kỳ năm ngoái).

Xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,5 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 nhờ nhu cầu khả quan của các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống, các nước khác cũng tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo tiêu dùng và dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu tăng cao và bất ổn chính trị kéo dài có thể khiến tỷ lệ sử dụng phân bón giảm, kéo theo năng suất lúa không được như kỳ vọng.

Mới đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) điều chỉnh giảm với dự báo thương mại ngũ cốc thế giới trong năm 2022 xuống còn 469 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2021. Nguyên nhân là diện tích và sản lượng thu hoạch lúa mì ở Ukraine giảm mạnh trong khi các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ, châu Âu, Mỹ chỉ bù đắp được một phần.

Trong bối cảnh căng thẳng chính trị, lạm phát leo thang, thu nhập của người dân trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng đáng kể, người tiêu dùng có xu hướng tăng sử dụng các loại lương thực có giá thấp như gạo. Ngoài ra, một động lực khác cho xuất khẩu gạo của Việt Nam là các quốc gia ngoài chiến sự cũng tăng nhu cầu tích trữ lương thực và sản phẩm thay thế nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Giá gạo đang tăng lên do nguồn cung khan hiếm

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ trong khi giá gạo lại tăng so với tuần trước. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.700 đồng/kg, giá bình quân là 5.475đồng/kg, giảm 133 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lúa thường tại kho cao nhất 7.150 đồng/kg, trung bình là 6.596 đồng/kg, tăng 46 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng tăng nhẹ. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.550 đồng/kg, giá bình quân 9.171 đồng/kg, tăng 68 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.350 đồng/kg, giá bình quân 8.958 đồng/kg, tăng 58 đồng/kg.

Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 8.717 đồng/kg, tăng 58 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.583 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. 

Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD, giá duy trì ở mức cao - Ảnh 2.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, giá gạo đang tăng lên do nguồn cung khan hiếm khi vụ thu hoạch Đông-Xuân đã kết thúc. Nguồn cung gạo sẽ tăng sau vụ thu hoạch Hè-Thu vào cuối tháng 5 này.

Tại An Giang, hầu hết các loại lúa có sự ổn định so với tuần trước như: OM 18 từ 5.800 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.400-5.600 đồng/kg, lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.900 đồng/kg, OM 5451 từ 5.500-5.700 đồng/kg; riêng Đài thơm tám từ 5.700-5.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; riêng gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.

Tính đến tháng 4, cả nước đã gieo cấy được 2.990,6 nghìn ha lúa Đông-Xuân, giảm 0,4% so cùng kỳ năm trước; thu hoạch được 1.568,7 nghìn ha; năng suất bình quân trên diện tích thu hoạch đạt 71,1 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt trên 11,1 triệu tấn lúa.

Các địa phương phía Nam đã xuống giống 506,2 nghìn ha lúa Hè-Thu, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung tại Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của ta tuần qua chào bán ở mức 420 USD/tấn, tăng từ mức 415 USD/tấn của tuần trước đó. Mức giá này đã được giữ ổn định trong hơn 2 tuần nay, tạo lợi thế cho xuất khẩu gạo khi nhu cầu lương thực trên thế giới tăng cao trong bối cảnh nguồn cung lương thực trên thế giới bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraina chưa được giải quyết.

Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng tăng trong tuần qua nhờ nhu cầu từ châu Á và châu Phi tăng cao. Giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng lên mức từ 363-367 USD/tấn, cao hơn so với mức từ 361-365 USD/tấn trong tuần trước, với giá gạo tăng nhờ đồng nội tệ rupee mạnh lên. 

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, giá gạo đang tăng lên do nguồn cung khan hiếm khi vụ thu hoạch Đông-Xuân đã kết thúc. Nguồn cung gạo sẽ tăng sau vụ thu hoạch Hè-Thu vào cuối tháng 5 này. 

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đứng ở mức từ 435-445 USD/tấn trong tuần này, tăng từ mức gần mức từ 432- 435 USD/tấn của tuần trước đó.

Nhu cầu mua gạo ngày càng nhiều, với nhiều tàu vận chuyển hàng hóa đến để mua gạo và điều này khiến giá gạo Thái tăng lên. Chưa kể, lượng gạo trên thị trường Thái Lan sẽ bắt đầu giảm khi nước này bước vào mùa mưa.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ vượt 8 triệu tấn trong năm nay, do đồng baht yếu và nhu cầu tăng cao trên thị trường toàn cầu.

Lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đã đạt 1,5 triệu tấn trong 2 tháng đầu năm, tăng mạnh so với 900.000 tấn cùng kỳ năm 2021. Nếu Thái Lan có thể xuất khẩu trung bình 700.000 tấn/tháng, tổng sản lượng xuất khẩu có thể sẽ đạt ít nhất 8 triệu tấn trong năm nay, cao hơn mức 7 triệu tấn mà TREA dự báo. Giá trị xuất khẩu gạo ước tính đạt 130 tỷ baht (khoảng 3,88 tỷ USD), tăng so với mức 110 tỷ baht năm ngoái.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chất lượng cao, giá thành hợp lý đang là “điểm cộng” để gạo Việt Nam có nhiều lợi thế khi giao dịch trên thị trường quốc tế.

Dự báo, từ tháng 5 sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn và giá lúa gạo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục