Dư địa để gia tăng xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN còn quá lớn
Gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN
ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân. Người dân ASEAN có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó, các chuyên gia đánh giá dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn, trong đó có mặt hàng gạo. Những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN.
Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN cũng như nhu cầu thị trường, yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu... ngày 5/5/2022, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại ASEAN tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN. Sự kiện sẽ được tổ chức trực tiếp tại An Giang kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Dự kiến tại Phiên tư vấn, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia sẽ thông tin về tình hình thị trường gạo Indonesia và các cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bà Lê Thị Phương Hoa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào sẽ chia sẻ về mặt hàng gạo tại thị trường Lào. Bà Trần Lê Dung, Bí thứ thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẽ nêu một số vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu gạo sang Malaysia.
Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ giới thiệu tình hình thị trường gạo Singapore niên vụ 2021 – 2022. Ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm gieo trồng, thu hoạch gạo của Thái Lan với doanh nghiệp Việt Nam. Phiên tư vấn cũng sẽ dành thời gian để tư vấn trực tiếp các vấn đề cụ thể của các doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang các nước ASEAN.
Trong số các nước ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippinnes. Năm 2021, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, với kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020, chiếm 39,4% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Quý I/2022, Philippines tiếp tục đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch.
Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; và so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.
Gạo xuất khẩu sang Philippines và Indonesia chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20-25%, cạnh tranh chủ yếu bằng giá. Về mặt chiến lược, ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường nên không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ. Những năm về trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35 đến 40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo thì đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75 đến 80%. Việc này đã đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2020.
Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang ASEAN, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các FTA giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới. Tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Xuất khẩu gạo sẽ nhộn nhịp hơn
Cập nhật giá lúa gạo hôm nay 4/5, giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục đi ngang. Dự báo, xuất khẩu gạo sẽ nhộn nhịp hơn khi thị trường Philippines mở quota vào cuối tháng 5.
Cụ thể: Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động. Cụ thể, Đài thơm 8 5.700 – 5.900 đồng/kg; OM 5451 5.500 – 5.600 đồng/kg; OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.600 – 5.700 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 5.600 – 5.850 đồng/kg; lúa IR504 có giá 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa Nhật 8.100 – 8.500 đồng/kg; lúa OM 380 5.500 – 5.600 đồng/kg; IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 11.500 –12.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 5.900 – 6.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp đà ổn định. Cụ thể, giá gạo NL IR504 8.050 – 8.150 đồng/kg; gạo TP IR 504 8.650 – 8.700 đồng/kg. Giá phụ phẩm không có biến động. Hiện giá tấm IR 504 8.10 – 8.200 đồng/kg; giá cám khô 8.300 – 8.400 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, hiện giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định so với đầu tuần. Cụ thể, giá gạo 100% tấm ở mức 360 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm 415 USD/tấn; gạo 25% tấm 395 USD/tấn; gạo Jasmine ổn định ở mức 513 – 517 USD/tấn. Mức giá này đã được giữ ổn định trong hơn 2 tuần nay, tạo lợi thế cho xuất khẩu gạo khi nhu cầu lương thực trên thế giới tăng cao trong bối cảnh nguồn cung lương thực trên thế giới bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraina chưa được giải quyết.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chất lượng cao, giá thành hợp lý đang là “điểm cộng” để gạo Việt Nam có nhiều lợi thế khi giao dịch trên thị trường quốc tế.
Dự báo, từ tháng 5 sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn và giá lúa gạo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2022 cả nước xuất khẩu 531.389 tấn gạo, tương đương 262,95 triệu USD, giá trung bình 494,8 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 2/2022, với mức tăng tương ứng 13,3%, 17,7% và 3,9%. Tuy nhiên, so với tháng 3/2021 thì giảm cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm tương ứng 1,4%, 9,6% và 8,3%.
Trong tháng 3/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines sụt giảm mạnh 56% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 2/2022, đạt 135.958 tấn, tương đương 62,19 triệu USD; và cũng giảm 12,7% về lượng, giảm 24,5% kim ngạch so với tháng 3/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng rất mạnh 114,6% về lượng và tăng 129,2% kim ngạch, đạt 96.317 tấn, tương đương 50,03 triệu USD; nhưng so với tháng 3/2021 thì giảm nhẹ 1,5% về lượng, giảm 5,3% kim ngạch.
Tính chung cả quý I/2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 1,5 triệu tấn, tương đương trên 730,76 triệu USD, tăng 26% về khối lượng, tăng 12,7% về kim ngạch so với quý I/2021, giá trung bình đạt 486,2 USD/tấn, giảm 10,6%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch nhưng giảm 13,4% về giá so với quý I/2021.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,9% trong tổng lượng và chiếm 12,4% trong tổng kim ngạch, đạt 178.201 tấn, tương đương 90,82 triệu USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, giảm mạnh 30,5% về lượng, giảm 33,3% về kim ngạch và giảm 4% về giá so với quý I/2021.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 182.104 tấn, tương đương 77,18 triệu USD, giá 423,8 USD/tấn, tăng mạnh 107,4% về lượng và tăng 74% kim ngạch nhưng giảm 16% về giá so với cùng kỳ, chiếm 12,1% trong tổng lượng và chiếm 10,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Nhìn chung, trong quý I/2022 xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường mạnh so với quý I/2021. Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 967.596 tấn, tương đương 459,92 triệu USD, tăng 23,8% về lượng và tăng 9,8% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 116.560 tấn, tương đương 57,72 triệu USD, tăng 4,7% về lượng nhưng giảm 6,5% kim ngạch.