Đánh trúng thị hiếu, xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo thơm sang EU bật tăng

03/05/2022 16:46 GMT+7
Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Đánh trúng thị hiếu, xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo thơm sang EU bật tăng  - Ảnh 1.

Chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Mở rộng cơ hội xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU nhờ EVFTA 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo sẽ bật tăng. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Điều này cho thấy mặt hàng gạo đang tận dụng được tốt các ưu đãi mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang lại.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

Với tấm vé thông hành từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đã có kết quả khởi sắc. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường này. Đây là dòng gạo thơm hiện nay Việt Nam đang có thế mạnh để phát triển.

2 tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận con số xuất khẩu hơn 15.500 tấn gạo sang thị trường EU, thu về 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khối EU, Italy bất ngờ dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi tăng 26 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn một số thị trường chủ lực khác như Đức, Pháp, Hà Lan…

Đáng chú ý, trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 12,1% trong 2 tháng đầu năm xuống còn 469 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận mức tăng 9% lên 755 USD/tấn. Giá gạo của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình của cả nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ…

Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh và nhập khẩu gạo của thị trường này giảm trong năm 2021. 

Tuy nhiên, có một thực tế là thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU. Trong khi đó, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu từ 3- 4 triệu tấn gạo mỗi năm. Năm 2021, EU nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo; trong đó 1,6 triệu tấn giao dịch nội khối và 2 triệu tấn nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. 

Gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh...

Mặc dù có nhiều ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, cũng như dư địa thị trường, song chưa đầy 20% doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu kỹ về các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thực tế, liên quan tới hạn ngạch, vấn đề không chỉ là cam kết hạn ngạch thì bao nhiêu nghìn tấn được hưởng ưu đãi thuế quan, mà còn ở chỗ cơ chế được cấp hạn ngạch thế nào. Nghị định về chứng nhận gạo thơm xuất khẩu sang EU mới chỉ được ban hành đầu năm 2022 - chậm một thời gian tương đối dài. Như vậy, những thông tin đó rất cần cho doanh nghiệp. Các cơ quan có thông tin nhiều hơn thì sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp sâu hơn.

Hơn nữa, bên cạnh lợi thế của hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam cũng như thay đổi cách tiếp cận thị trường để có thể chiếm lĩnh mở rộng thị phần được nhiều hơn nữa. Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp tục chiến lược chất lượng, gia tăng giá trị sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.

Đánh trúng thị hiếu, xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo thơm sang EU bật tăng  - Ảnh 2.

Cập nhật đến hôm nay (3/5), giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định.

Cập nhật đến hôm nay (3/5), giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Cụ thể, Đài thơm 8 5.700 – 5.900 đồng/kg; OM 5451 5.500 – 5.600 đồng/kg; OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.600 – 5.700 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 5.600 – 5.850 đồng/kg; lúa IR504 có giá 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa Nhật 8.100 – 8.500 đồng/kg; lúa OM 380 5.500 – 5.600 đồng/kg; IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 11.500 –12.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 5.900 – 6.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đi ngang. Cụ thể, giá gạo NL IR504 8.050 – 8.150 đồng/kg; gạo TP IR 504 8.650 – 8.700 đồng/kg. Giá phụ phẩm không có biến động. Hiện giá tấm IR 504 8.10 – 8.200 đồng/kg; giá cám khô 8.300 – 8.400 đồng/kg.

Hiện giá chào bán gạo xuất khẩu chung của Việt Nam ổn định so với đầu tuần. Cụ thể, giá gạo 100% tấm ở mức 360 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm 415 USD/tấn; gạo 25% tấm 395 USD/tấn; gạo Jasmine ổn định ở mức 513 – 517 USD/tấn.

Theo thống kê, trong tuần qua, giao hàng gạo đi Trung Quốc tiếp tục tăng so với tuần trước, một số khách hỏi mua gạo thành phẩm OM 18 chính vụ Đông Xuân, nhu cầu nếp về ít lại. Gần hết tháng 4, gạo xuất khẩu đi Philippines bật tăng, gạo xuất khẩu đi châu Phi và Malaysia giảm mạnh trong khi xuất khẩu đi Trung Quốc không có biến động nhiều so với tháng 3.

Những năm gần đây, dòng gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25, Jasmine… đã vào được một số thị trường lớn như EU, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan… Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị cho gạo xuất khẩu.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục