Việt Nam có tiềm năng thành 'tiền đồn' của ngân hàng Nhật Bản ở Đông Nam Á

20/10/2020 14:35 GMT+7
Hai trong số các ngân hàng lớn của Nhật Bản đã chọn Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam và Singapore làm địa điểm đặt các văn phòng chi nhánh mới trong nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh, di chuyển nguồn lực từ các thị trường Hồng Kông và London.
Ngân hàng Nhật Bản để mắt đến Việt Nam - Ảnh 1.

Gunma Bank, ngân hàng khu vực Nhật Bản dự kiến sẽ mở văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh trong năm tài chính này

Gunma Bank, ngân hàng Nhật Bản có trụ sở ở Tây Bắc Tokyo mới đây tuyên bố sẽ mở văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Một ngân hàng Nhật Bản khác là Yokohama cũng sẽ đóng cửa văn phòng đại diện ở London trong tháng này và mở chi nhánh ở Singapore.

Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, văn phòng đại diện của Gunma Bank tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào hoạt động thu thập thông tin để cung cấp cho doanh nghiệp Nhật Bản những tin tức quan trọng, cập nhật nhất về điều kiện thị trường và thủ tục hành chính tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Như vậy, văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là chi nhánh thứ 5 trên toàn thế giới và thứ 4 trên toàn Châu Á của Gunma Bank. Tại Hồng Kông, Gunma Bank có kế hoạch đóng cửa công ty con và thay thế bằng một văn phòng đại diện do nhu cầu tại thị trường tài chính này đang trên đà giảm.

Ngân hàng Nhật Bản để mắt đến Việt Nam - Ảnh 2.

Singapore cũng trở thành 'tiền đồn' tiềm năng của ngân hàng Yokohama (Nhật Bản) tại khu vực Đông Nam Á

Việc Ngân hàng Yokohama mở thêm chi nhánh tại Singapore cũng cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ hơn của các ngân hàng Nhật Bản với thị trường Đông Nam Á. Trước đó, tại khu vực Đông Nam Á, Yokohama Bank chỉ có duy nhất văn phòng đại diện ở Băng-kok (Thái Lan). Ngân hàng Yokohama trực thuộc Tập đoàn tài chính Concordia niêm yết tại Tokyo.

Những động thái dịch chuyển văn phòng đại diện diễn ra trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất chuyển dịch sang thị trường Đông Nam Á để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Hồi tháng 4, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng kêu gọi các tập đoàn Nhật Bản dịch chuyển về nước hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác. “Đại dịch Covid-19 đã khiến các sản phẩm từ Trung Quốc ít đến được Nhật Bản. Chúng ta đều đang lo lắng về chuỗi cung ứng trong nước” - ông Abe cho hay. “Chúng ta nên cố gắng di chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trở về Nhật Bản. Với các sản phẩm khác, chúng ta nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại các quốc gia như các nước ASEAN”. 

Sau lời kêu gọi này, đến đầu tháng 8/2020, đã có 87 doanh nghiệp Nhật Bản nhận được trợ cấp chính phủ để rời khỏi Trung Quốc. Trong đó, 57 doanh nghiệp dự kiến trở về Nhật Bản và 30 doanh nghiệp còn lại sẽ mở rộng sản xuất ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide mới đây cũng chọn hai quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia làm điểm đến cho chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức. Chính phủ ông Suga hiện có kế hoạch viện trợ khoảng 1 nửa chi phí đầu tư cho các công ty lớn và 2/3 chi phí cho các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản xây dựng chuỗi cung ứng tại ASEAN.

NTTD
Cùng chuyên mục