Viettel Post (VTP) bị phạt và truy thu gần 1,7 tỷ đồng
Theo đó, Viettel Post bị phạt tiền hơn 242 triệu đồng đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (theo tỷ lệ 20% trên số thuế truy thu). Thêm vào đó, VTP buộc phải nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách Nhà nước của năm 2020 tổng cộng là 1,2 tỷ đồng, cùng số tiền chậm nộp gần 234 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền Viettel Post bị truy thu, phạt và chậm nộp gần 1,69 tỷ đồng.
Trong quý III/2022, lợi nhuận sau thuế của VTP đạt 56,24 tỷ đồng, tăng trưởng 77,25% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Viettel Post ghi nhận hơn 16.385 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng đạt gần 257 tỷ đồng, tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Viettel Post đặt mục tiêu tổng doanh thu 25.723 tỷ đồng, tăng 19% so năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh 68%, lên mức 498 tỷ đồng.
Sau 9 tháng, Viettel Post đã thực hiện được 64% kế hoạch doanh thu và 52% về lợi nhuận.
Viettel Post cho biết, công ty đã triển khai hàng loạt các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh mới, cung ứng các dịch vụ Chuyển phát đặc biệt dành cho thị trường như: Hàng lạnh, hỏa tốc, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin trên nền tảng công nghệ số hiện nay.
Đồng thời, Viettel Post cũng đẩy mạnh hợp tác kinh doanh nhóm khách hàng lớn, thành công ký kết hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp lớn hàng đầu tại Việt Nam như: Ngân hàng Quân Đội, Ngân hàng PVCombank, SCB, VIB, Samsung, Honda, Toyota… với tổng giá trị hợp đồng dự kết hết năm 2022 ước tính đạt 40 tỷ/năm.
Trong lĩnh vực logistics, Viettel Post đã triển khai tổ chức lại mạng lưới kết nối theo mô hình mới, giảm thời gian toàn trình bưu gửi, tăng doanh thu tới 77% so với cùng kỳ năm 2021, xu hướng những tháng sau luôn tăng trưởng so với tháng trước từ 7-10%.
Bên cạnh đó, Viettel Post hiện đang vận hành và sở hữu hơn 100 kho nội vùng với diện tích gần 740.000 m2, cùng các dịch vụ E-Fulfillment (hoạt động xử lý đơn hàng, cung ứng hàng hóa cho khách của các đơn vị kinh doanh qua Internet) hoàn tất đơn hàng thương mại điện tử: quản lý tồn kho, xử lý đơn hàng, vận chuyển.
Đây là nền tảng vững mạnh để Viettel Post đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh thu dịch vụ Fulfillment quý III/2022 tăng trưởng 77% so với quý liền kề.
Tổng tài sản của Viettel Post tại ngày 30/9/2022 giảm gần 262 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 5.173 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức cao 1,854 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn.
Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn cũng ở mức cao 1.862 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu khách hàng, giảm 15% so với đầu năm.
Nợ phải trả phần lớn là nợ vay ngắn hạn (hơn 1.318 tỷ đồng) tăng 13% so với đầu năm, trong khi phải trả ngắn hạn khác (gần 1.377 tỷ đồng) giảm 10%.
Viettel Post có vốn điều lệ gần 1.036 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nắm 60.81% vốn, còn lại là các đối tượng khác.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/11, cổ phiếu VTP tăng trần lên 24.600 đồng/cp.