VinaCapital: Nhiều cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam tại thời điểm hiện tại
Hơn 100 nhà đầu tư tổ chức trên toàn thế giới, trong đó đến nhiều từ châu Âu, Bắc Á đã tới Việt Nam để tham dự sự kiện Hội nghị nhà đầu tư 2022 do VinaCapital tổ chức trong các ngày 5-7/10.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang dò đáy sau khi rơi từ vùng 1.500 điểm hồi đầu năm đến nay, khối ngoại tiếp tục rút ròng vốn khỏi thị trường, nhưng các chuyên gia của VinaCapital vẫn đánh giá triển vọng của chứng khoán Việt Nam tích cực.
Chia sẻ tại hội nghị năm nay, ông Don Lam, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết kinh tế Việt Nam phát triển, tăng trưởng GDP quý III hơn 13%, cả năm dự báo hơn 8% là điều rất khác biệt so với các quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam đang được ví như "ngôi sao sáng" trên thế giới.
Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư của VinaCapital cho biết sự biến động của thị trường chứng khoán đã làm không ít nhà đầu tư bất an, tuy nhiên điều quan trọng là các công ty niêm yết và công ty tư nhân của Việt Nam vẫn đang hoạt động hiệu quả nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa.
Cũng theo ông Andy Ho, nền kinh tế Việt Nam năm nay có sự chia tách ra so với kinh tế Mỹ hay thế giới. Việt Nam đang phát triển bán lẻ, dịch vụ, sản phẩm rất mạnh, trong khi nhiều nền kinh tế chứng kiến mức lạm phát cao (như Mỹ 8-9%, EU 9-10%...) thì ở Việt Nam chỉ dao động khoảng 3%. Một trong những lý do là nhà đầu tư trực tiếp (FDI) họ đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và thực hiện đa dạng hóa ngành sản xuất. Trước đây họ mở 10-20 nhà máy ở Trung Quốc thì giờ đây họ vẫn giữ các nhà máy đó và đa dạng hóa bằng việc mở thêm 1-4 nhà máy ở Việt Nam. Ví dụ như Apple sắp sản xuất đồng hồ hay Lego muốn sản xuất đồ chơi tại Việt Nam.
Lý do thứ hai là Việt Nam có mảng bán lẻ phát triển mạnh. Chi tiêu cho ăn uống, du lịch nội địa của Việt Nam đang tốt. Do thói quen chưa đi nước ngoài nhiều nên người dân tập trung cho mua sắm và tiêu dùng nội địa, mang đến sự phát triển cho ngành bán lẻ. Các doanh nghiệp trong ngành như Masan Group, MWG, PNJ cũng đang hưởng lợi từ tăng trưởng này.
Việt Nam cũng chưa ảnh hưởng nhiều về lạm phát do mức độ chi tiêu của Chính phủ Việt Nam trên GDP không nhiều, trong khi như ở Mỹ có mức chi tiêu cho người dân, xã hội đến 25% GDP để giúp đỡ phục hồi kinh tế (qua đó làm tăng lạm phát).
Năm 2022, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 8%. Qua năm 2023, tốc độ tăng trưởng có thể quay lại mức độ bình thường như trước Covid là 6-7%. Tăng trưởng về sản xuất có thể giảm đi do nhu cầu giảm xuống trong thời gian tới, song bù lại nhu cầu du lịch nước ngoài bắt đầu quay lại Việt Nam.
VinaCapital dự báo trong năm 2023, giá trị giải ngân cho đầu tư hạ tầng tăng mạnh. Nhìn sang Trung Quốc, mỗi khi khó khăn nước này đều đầu tư mạnh cho hạ tầng và tại Việt Nam, các năm trước chưa đạt kế hoạch giải ngân nên kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn trong năm tới.
Cũng cần lưu ý, mức độ chi tiêu cá nhân 2023 có thể giảm lại, xuất khẩu có thể giảm tăng trưởng vì kinh tế thế giới chậm lại. Tuy nhiên, ông Andy cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6-7%. Tăng trưởng về sản xuất có thể giảm đi do nhu cầu giảm xuống trong thời gian tới, song bù lại nhu cầu du lịch nước ngoài bắt đầu quay lại Việt Nam.
Về yếu tố tỷ giá, VND dự báo mất giá khoảng 4-5% so với USD trong 2022, song là mức thấp trong khu vực Đông Nam Á (nhiều đồng nội tệ mất giá 10-12%). Theo ông Andy Ho, đồng USD mạnh đã gây nên áp lực về trả gốc và lãi cao hơn đối với những doanh nghiệp vay USD. Các doanh nghiệp này cần phải tìm nguồn USD để trả nợ sớm hơn nếu không muốn lãi tăng lên. Tuy vậy, đây là vấn đề trên toàn thế giới, không riêng Việt Nam, áp lực đồng USD tăng lên thì áp lực đồng nội tệ đi xuống.
Ông Andy Ho cũng khuyên các doanh nghiệp chỉ nên vay bằng USD nếu có nguồn thu bằng USD, nếu không sẽ gặp rủi ro về trả lãi gốc cao hơn do đồng VND mất giá.
Vẫn có nhiều cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Thời gian vừa qua, đã có những trường hợp xử lý các doanh nghiệp/cá nhân vi phạm. Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu, cho biết từ góc nhìn của nhà đầu tư chuyên nghiệp và dài hạn là tích cực vì mang lại môi trường đầu tư chuyên nghiệp, tăng tính hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế.
Song, nhà đầu tư trong nước lại thấy lo ngại trước điều này khiến cho thanh khoản bị sụt giảm. Thanh khoản hiện nay đã giảm một nửa so với năm ngoái nhưng vẫn gấp 3 lần giai đoạn trước Covid-19. Đặc biệt, nếu tính theo định giá P/E thì thị trường Việt Nam đang ở vùng hấp dẫn và rẻ hơn các nước trong khu vực…
Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì. Năm 2023, thị trường Việt Nam được dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết ở mức 19,1%, cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Bà Thu cho biết chỉ tiêu này được tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, nên trong trường hợp lãi suất có thay đổi thì con số cũng biến động.
Ngoài ra, mức độ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài giảm trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp hở room. Vì vậy, những nhà đầu tư nước ngoài khác lại có cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp này.
Về các nhóm ngành, vị chuyên gia nhận định nhóm ngành công nghệ, điển hình là FPT với dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay khoảng 26%, nằm trong những doanh nghiệp hàng đầu được các quỹ mở nắm giữ. Ngoài ra, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, ngân hàng… cũng có nhiều triển vọng.
Dù ngành ngân hàng còn lo ngại rủi ro về lãi suất, siết chặt tín dụng, nhưng cũng đạt tăng trưởng 37% và tiếp tục duy trì những mức lợi nhuận tốt trong các năm tiếp theo, bà Thu chia sẻ.