Vinamilk (VNM) sắp chi cổ tức lần 2/2022 bằng tiền, tỷ lệ 14%
Ngày 23/12, Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) sẽ chốt danh sách trả cổ tức đợt 2/2022 bằng tiền, tỷ lệ 14% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 1.400 đồng). Thời gian thanh toán vào ngày 28/02/2023.
Với gần 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk sẽ khoảng 3.000 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Hồi tháng 8/2022, Vinamilk đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 tỷ lệ 15%.
Cơ cấu cổ đông tại Vinamilk ghi nhận SCIC là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ gần 752,5 triệu cổ phiếu (36% vốn điều lệ). Trong đợt tạm ứng lần 2 năm nay, SCIC sẽ tiếp tục nhận về hơn 1.000 tỷ đồng tiền cổ tức.
Ngoài ra, Vinamilk còn hai cổ đông lớn khác gồm nhóm F&N sở hữu 20,4% vốn điều lệ và quỹ Platinum Victory nắm giữ 10,6% vốn điều lệ. Nhóm nhà đầu tư F&N sẽ nhận gần 600 tỷ đồng tiền cổ tức từ Vinamilk. F&N là thành viên trong tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi - ông chủ của ThaiBev, doanh nghiệp mua lại cổ phần và nắm quyền chi phối Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Quỹ Platinum Victory thuộc Tập đoàn Jardine Matheson sẽ nhận về hơn 300 tỷ đồng tiền cổ tức. Nhóm nhà đầu tư này còn sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Thaco, REE.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, VNM dự kiến chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 38,5%, như vậy cổ đông một đợt nhận cổ tức năm 2022 nữa với tỷ lệ 9,5%.
Trong quý III, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu đạt 16.094 tỷ đồng biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt 2.363 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Vinamilk ghi nhận doanh thu đạt 44.994 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.748 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 70% và 69% kế hoạch năm.
Liên quan đến Công ty, mới đây Vinamilk và Công ty cổ phần Tập đoàn Kido thông báo dừng hoạt động và giải thể Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev.
Vinamilk cho biết chấm dứt liên doanh vì "một số thay đổi trong định hướng phát triển" của cả hai. Cũng thông báo với lý do tương tự, nhưng phía Kido bổ sung thêm quyết định này còn đến từ ảnh hưởng của những biến động khó đoán của thị trường trong nước và kinh tế thế giới.
Vibev đăng ký thành lập tháng 3/2021 dù kế hoạch liên doanh được hai bên công ty trước đó nửa năm. Công ty ban đầu có vốn 400 tỷ đồng, trong đó Vinamilk góp 204 tỷ và nắm quyền chi phối, còn Kido góp 196 tỷ đồng.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, khi đó nói rằng hợp tác này xuất phát từ nhu cầu của hai bên khi cùng nhìn thấy cơ hội lớn. Cả hai đều có năng lực về nhà máy sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản trị, điều hành doanh nghiệp, nguồn lực tài chính mạnh nên sẽ đưa những mảng chung vào liên doanh để không bị xung đột lợi ích.
Ông Mai Xuân Trầm, Phó tổng giám đốc Kido đồng thời là Tổng giám đốc Vibev, khi đó cũng cho biết hai bên đã nghiên cứu trong thời gian dài trước khi bắt tay nhau. Ông đánh giá ngành hàng này có tiềm năng và quy mô lớn, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Mạng lưới xuất khẩu của Vinamilk tại 30 quốc gia sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm của liên doanh ra nước ngoài.
Sau nhiều lần trì hoãn vì dịch bệnh, Vibev ra mắt sản phẩm đầu tiên tháng 11/2021 với nhiều tham vọng như giữ vị trí số một về thị phần trong ngành nước tươi và đạt sản lượng 150 triệu chai một năm (tương đương doanh số 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/12, cổ phiếu VNM tăng 1,94% lên 84.000 đồng/CP.