VISC (VIG) muốn phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ, không chia cổ tức nhằm xóa lỗ lũy kế

20/03/2024 14:26 GMT+7
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, VISC trình cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 86 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 42,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 76% và 36% so với thực hiện năm 2023.

Mới đây, CTCP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC; HNX: VIG) công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Theo thông báo, Đại hội sẽ được tổ chức ngày 10/4/2024 tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Theo tài liệu cuộc họp, HĐQT VISC trình cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 86 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 42,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 76% và 36% so với thực hiện năm 2023.

Do còn đang lỗ lũy kế nên công ty dự kiến sẽ không phân phối lợi nhuận sau thuế các năm 2023, 2024 và để xóa lỗ lũy kế.

VISC muốn phát hành 50 triệu cổ phiếu

Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, VISC sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 50 triệu cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán dự kiến là 12.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 45% so với thị giá niêm yết của cổ phiếu VIG phiên ngày 20/3 (8.300 đồng/cổ phiếu).

Theo tài liệu, cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp theo phương án này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thời gian phát hành dự kiến trong quý III/2024 hoặc ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp.

VISC (VIG) muốn phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ, không chia cổ tức nhằm xóa lỗ lũy kế- Ảnh 1.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 HĐQT VISC trình cổ đông thông qua.

Dự kiến, 500 tỷ đồng huy động được từ đợt chào bán để được VISC dùng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty và thặng dư vốn cổ phần thu được từ đợt phát hành để xóa một phần lỗ lũy kế của công ty. Cụ thể: 400 - 450 tỷ đông sẽ sử dụng để cho vay giao dịch ký quỹ và 50 - 100 tỷ đồng sẽ sử dụng để tự doanh chứng khoán.

Cổ phiếu trong diện cảnh báo, VISC nói gì?

Trước đó, ngày 19/1/2024, VISC đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.

Theo công văn số 150 ngày 31/7/2023 và báo cáo tài chính năm 2022, lũy kế lợi nhuận năm 2022 của VISC là âm 164,6 tỷ đồng. VISC cho biết, đây là các khoản lỗ kinh doanh lũy kế từ năm 2011, 2012 và số lỗ lũy kế chiếm 36,5% vốn điều lệ mới.

Hiện tại, VISC cho hay, doanh nghiệp này vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm khắc phục và đưa cổ phiếu VIG ra khỏi diện cảnh báo trong thời gian sớm nhất. Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, tính đến hết ngày 31/12/2023, kết quả kinh doanh ghi nhận khá khả quan.

Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ vốn khả dụng của công ty đã đạt trên 180% trở lên trong 3 tháng liên tiếp, cụ thể 236,5% trong tháng 10; 237,1% trong tháng 11 và 231% trong tháng 12.

"Đồng thời, chúng tôi vẫn đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục, báo cáo gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đưa công ty ra khỏi diện cảnh báo cũng như đăng ký đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Sau khi có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh, công ty sẽ nhanh chóng triển khai kế hoạch kinh doanh theo kế hoạch đã đề ra", VISC cho biết.

Phiên chiều ngày 20/3, cỏ phiếu VIG niêm yết ở mức 8.300 đồng/cp.

Trong năm 2023, VISC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 48,8 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 31,1 tỷ đồng, lần lượt đạt 41% và 62% so với kế hoạch năm đề ra.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục