Vissan có thể tạm dừng cung ứng, giết mổ heo vì "sự cố"

28/07/2021 07:34 GMT+7
Công ty CP Vissan đã đã xuất 2 phương án khi phát hiện 43 ca nhiễm Covid-19, trong đó có thể tạm ngưng việc sản xuất, giết mổ heo khi gặp sự cố.

Vissan sẽ giảm cung cấp lượng heo ra thị trường 

Ngày 27/7/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã dẫn đầu Tổ công tác của Bộ làm việc với một số doanh nghiệp giết mổ và phân phối thịt gia súc, gia cầm tại miền Nam.

Hiện tại, Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) là đơn vị cung ứng thịt heo lớn nhất cho TP.HCM. Trước khi chưa có dịch Covid-19, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Lượng heo giết mổ hàng ngày tại các nhà máy giết mổ của Vissan đạt 1.000 con, chiếm 10% trong tổng lượng heo giết mổ và tiêu thụ tại TP. HCM. Vissan cung cấp thịt heo mảnh vào các hệ thống siêu thị Co.opmart, Vinmart, Aeon Citimart, Satra…

Từ năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, sức tiêu thụ giảm nên lượng heo giết mổ của Vissan chỉ 600-700 con/ngày.

Vissan có thể tạm dừng cung ứng, giết mổ heo vì "sự cố" - Ảnh 1.

Vissan có thể tạm dừng cung ứng, giết mổ heo vì "sự cố". Ảnh Nguyễn Vy

Với mục tiêu thực hiện đảm bảo cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố TP.HCM, từ cuối tháng 6/2021, Vissan đã tổ chức sản xuất theo phương án ba tại chỗ với hơn 1.300 người lao động. Tuy nhiên hiện tại, Công ty Vissan có 43 ca nhiễm Covid -19 và nhiều F1, F2.

Từ ngày 24/7 đến nay, Vissan cho biết, công ty tạm ngưng do gặp sự cố trong nhà máy nên buộc phải ngưng cung cấp hàng đóng khay và một số mặt hàng cho hệ thống siêu thị.

Hiện sản lượng thịt heo tươi sống của doanh nghiệp này giảm khoảng 15 - 20% so với trước đây. Công ty cũng đang rà soát tính toán lại năng lực sản xuất, báo cáo Sở Công thương TP.HCM để thành phố kịp thời có phương án chuẩn bị nguồn hàng thay thế khi cần thiết.

Trước tình hình trên, Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Công ty Vissan tạm dừng sản xuất, giết mổ và cung ứng thịt heo. Thay vào đó, kiến nghị TP.HCM nên điều tiết về các cơ sở giết mổ khác để bù đắp nguồn thịt cho thành phố.

Nguồn cung thịt heo khá dồi dào

Hiện TP.HCM cũng có đến 3 cơ sở giết mổ heo thủ công đang tạm ngưng hoạt động do có công nhân bị nhiễm Covid-19. Ngoài ra, nhà máy giết mổ gia cầm An Nhơn tại TP.HCM cũng đã đóng cửa vì phát hiện F0. An Nhơn là nhà máy giết mổ gia cầm duy nhất của TP.HCM, có công suất trung bình từ 60.000 - 100.000 con gà mỗi đêm.

Hiện nguồn cung thịt tươi sống cho thị trường TP.HCM theo Sở NN-PTNT là đến từ hai nguồn: Từ các lò giết mổ trên địa bàn thành phố, trong đó nguồn thịt heo chiếm gần 79%, thịt gà chiếm hơn 58% và bò khoảng 8,7%. Phần còn lại là từ các tỉnh lân cận cung cấp như Đồng Nai, Long An và cả Tây Ninh. 

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM,  khi các lò tại TP.HCM gặp sự số, các nguồn hàng thịt từ Đồng Nai, Long An… sẽ được điều chuyển hỗ trợ, không để thiếu hụt. Hiện tại, ở Đồng Nai có nhà máy lớn của Công ty C.P Việt Nam, ở Long An có máy lớn MeatDeli của Masan. 

Nên nguồn cung thịt của TP.HCM trong những ngày tới không quá đáng lo ngại, thiếu hụt và khan hàng như xảy ra đối với mặt hàng rau củ quả.

Báo cáo của Tổ công tác 970 về tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến tại TP.HCM từ sau ngày 237 cho thấy, các doanh nghiệp đã đăng ký thẩm định 3 tại chỗ nhưng không được thẩm định (do cơ quan thẩm định không kịp thẩm định) buộc phải ngừng hoạt động.

Hiện nay các hệ thống phân phối tại TP.HCM cho biết bên cạnh nguồn cung từ Vissan, các đơn vị còn có nguồn hàng từ các nhà cung cấp khác như công ty Sagri, Anh Hoàng Thi,... các nhà cung cấp này hiện vẫn đang hoạt động dưới công suất nên có khả năng cung ứng bổ sung.

Ngoài ra, các công ty như CJ, Masan cũng đang cung ứng một lượng lớn thịt chế biến thương hiệu Meat Deli, Meat Master đầy đủ ra thị trường tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.

Nguồn cung thịt heo trên thị trường khá dồi dào, giá heo hơi tại các trại chăn nuôi vùng Đông Nam Bộ rớt xuống dưới 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do 2 chợ đầu mối thịt heo lớn của TP HCM là Hóc Môn và Bình Điền đóng cửa, nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ các thương lái bán qua Zalo, điện thoại và các doanh nghiệp giết mổ cộng với chi phí vận chuyển, giết mổ tăng... nên giá một số loại thịt bán đến tay người tiêu dùng tăng khá cao so với thời điểm trước khi bùng phát dịch lần 4.

Năm 2020, tổng doanh thu của Vissan là 5.167 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 208 tỷ đồng.

Vissan là một trong những đơn vị thực hiện hoàn chỉnh chuỗi sản xuất từ chăn nuôi, chế biến đến kinh doanh. Công ty cũng hoàn thiện chương trình truy xuất nguồn gốc, tham gia đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo Tefood của TP.HCM.

Với thịt heo, ngoài đàn heo tự chăn nuôi, Vissan còn ký hợp đồng liên kết hợp tác lâu dài với các trại chăn nuôi lớn khác; đảm bảo sản lượng ổn định và đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trong lần kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại công ty Vissan đầu năm 2021 (chuẩn bị phục vụ Tết nguyên đán), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị như Vissan cần tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết, tăng cường chế biến sâu và tích cực tham gia chương trình bình giá để hỗ trợ người dùng.


An Vũ
Cùng chuyên mục