Vượt qua đỉnh dịch Covid-19, kinh tế Trung Quốc vẫn khó hồi sinh

16/03/2020 17:28 GMT+7
Ngành sản xuất Trung Quốc có thể phục hồi trong tháng 3, khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại và phần lớn lệnh phong tỏa thành phố được bãi bỏ. Nhưng nhu cầu người tiêu dùng sẽ mất nhiều thời gian hơn để cải thiện, các nhà kinh tế cho hay.

Bo Zhuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại TS Lombard cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ sớm chứng kiến sự phục hồi, nhưng sự phục hồi ấy có nguy cơ bị hủy hoại nhanh chóng vì dịch virus corona (Covid-19) bùng phát trên toàn cầu.

Tính đến chiều 16/3, toàn thế giới xác nhận 167.515 ca nhiễm virus corona và 6.506 ca tử vong. Dịch bệnh đã lây lan ra hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 6 châu lục, và đã được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là đại dịch toàn cầu.

Vượt qua đỉnh dịch Covid-19, kinh tế Trung Quốc vẫn khó hồi sinh - Ảnh 1.

Các nhà máy tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại tới 90% nhưng nhu cầu trên toàn cầu lại giảm mạnh vì dịch Covid-19

Khi tình hình dịch bệnh gần như được kiểm soát tại Trung Quốc, số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu và Mỹ tại tăng vọt. Các nhà phân tích chỉ ra rằng sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn cầu có thể sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao thêm lần nữa. 

Theo báo cáo từ Reuters, sản lượng công nghiệp Trung Quốc hai tháng đầu năm 2020 đã giảm mạnh nhất trong 3 thập kỷ, tức giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng phản ánh sự đảo ngược mức tăng trưởng sản lượng 6,9% hồi tháng 12/2019, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Trước đó, các nhà phân tích dự đoán sản lượng công nghiệp Trung Quốc có thể tăng 1,5% trong 2 tháng đầu năm.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 1-2/2020 cũng giảm mạnh 20,5% khi chính quyền phong tỏa nhiều tỉnh thành, khuyến cáo người dân tự cách ly tại nhà và hạn chế di chuyển để phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh. Các trung tâm thương mại, mua sắm, cửa hàng, nhà hàng, rạp chiếu phim… đã buộc phải đóng cửa nhiều tuần liền vì lệnh cấm như vậy. Con số giảm 20,5% thể hiện tỷ lệ giảm mạnh hơn nhiều so với mức ước tính giảm 4% của các nhà phân tích Bloomberg. 

Đầu tư tài sản cố định - thước đo mức chi tiêu doanh nghiệp cho các hạng mục gồm cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị… đã giảm mạnh 24,5% so với mức ước tính giảm 2% của các nhà phân tích. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng nhiều thập kỷ, chỉ số này chứng kiến mức thu hẹp.

“Trước đó, chúng ta lo lắng một cú sốc cung, nhưng giờ đây, vấn đề nằm ở sự gián đoạn nhu cầu tiêu dùng” - ông Bo Zhuang nhận định.

Chuỗi cung ứng gián đoạn trên toàn cầu khi các nhà máy Trung Quốc ngừng hoạt động nhiều tuần từng trở thành mối quan ngại lớn với nền kinh tế. Nhưng các nhà máy Trung Quốc giờ đây đã mở cửa trở lại, giải quyết phần nào nỗi lo lắng ấy. Còn nhu cầu tiêu dùng thì dường như chưa khởi sắc, khi người dân vẫn giữ tâm lý đề phòng dịch bệnh, hạn chế các hoạt động công cộng, mua sắm và tiêu dùng.

Ông Bo Zhuang chỉ ra một thực trạng rằng ngay cả khi các doanh nghiệp dịch vụ, nhà hàng, quán ăn mở cửa trở lại, nó cũng chịu chung tình trạng vắng khách.

Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, sự lây lan dịch Covid-19 cũng khiến chính phủ nhiều đất nước Châu Âu và cả Mỹ ra lệnh phong tỏa nhiều tỉnh, thành phố. Tức là nhu cầu tại các thị trường EU và Mỹ, vốn là thị trường tiêu dùng quan trọng của các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc, cũng đang chững lại. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục