WSJ: Trung Quốc sắp tung quy định mới bóp nghẹt kế hoạch IPO tại Mỹ của nhiều doanh nghiệp
Theo Wall Street Journal, các nhà quản lý Trung Quốc đang nhắm mục tiêu cụ thể đến những công ty công nghệ nắm giữ lượng data người dùng khổng lồ. Với việc ban hành các quy định mới, những công ty này có thể bị hạn chế niêm yết tại Mỹ. Trong khi đó, với những lĩnh vực ít nắm giữ dữ liệu như dược phẩm, quá trình niêm yết công khai lần đầu (IPO) vẫn sẽ diễn ra bình thường.
Các quy tắc vẫn chưa được hoàn thiện và Bắc Kinh có thể chính thức áp dụng chúng từ quý IV năm nay, theo nguồn tin thân cận của Wall Street Journal.
Trước đó, vào đầu tuần này, cơ quan quản lý an ninh mạng Trung Quốc đã đưa ra hai quy định buộc các công ty muốn IPO phải tuân thủ: một là đảm bảo đúng quy định và luật pháp quốc gia, hai là không gây rủi ro đe dọa an ninh quốc gia, cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng cũng như dữ liệu cá nhân người dùng.
Các ngành nắm giữ dữ liệu quan trọng được liệt kê bao gồm các dịch vụ thông tin và truyền thông công cộng, năng lượng, giao thông vận tải, công trình cấp nước, tài chính và dịch vụ công.
Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Trung Quốc cũng tăng cường giám sát các công ty trong nước đang có ý định IPO tại Mỹ. Cơ quan này cho hay họ sẽ yêu cầu các công ty như vậy tiết lộ thêm về cấu trúc doanh nghiệp cũng như xem xét bất kỳ rủi ro nào với an ninh quốc gia.
Hồi cuối tháng 7, tuyên bố của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc khẳng định các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ tiếp tục cho phép các công ty niêm yết tại Mỹ miễn là đáp ứng các yêu cầu mà chính phủ đưa ra. Động thái được cho là nhằm trấn an nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường bán tháo điên cuồng khiến hàng loạt cổ phiếu Trung Quốc giảm mạnh do loạt hành động siết chặt quy định từ phía Bắc Kinh.
Sự việc bắt đầu hôm 6/7 khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các công ty nội địa niêm yết tại nước ngoài. Thông báo được đưa ra ít ngày sau khi Bắc Kinh mở cuộc điều tra an ninh mạng nhằm vào gã khổng lồ gọi xe Didi Global ngay sau khi Didi có thương vụ IPO trị giá 4,4 tỷ USD trên sàn chứng khoán Mỹ. Thương vụ IPO tại Mỹ hồi cuối tháng 6 đã biến nhà đồng sáng lập Didi - ông Cheng Wei thành tỷ phú. Nhưng chỉ sau đó hai ngày, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) lập tức thông báo cuộc điều tra với Didi, viện dẫn lý do “an ninh quốc gia và lợi ích công cộng”, khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm mạnh 5,3%. CAC cũng buộc các cửa hàng ứng dụng smartphone như App Store hay CH Play ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe của gã khổng lồ gọi xe Didi Global.
Theo nguồn tin của Bloomberg, phía Bắc Kinh cho rằng việc Didi Global quyết định IPO tại Mỹ bất chấp sự phản đối của CAC là một sự thách thức với chính quyền Bắc Kinh. Các quan chức từ CAC, Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước, Bộ Tài nguyên, Cục Thuế, cơ quan quản lý chống độc quyền cùng nhiều bên liên quan hiện đã bắt đầu cuộc điều tra tại các văn phòng của Didi.
Tiếp đó, Bắc Kinh tiếp tục siết quy định pháp lý với hàng loạt ngành từ giáo dục, tài chính cho đến công nghệ, giải trí, Chẳng hạn, các nhà chức trách đã điều chỉnh quy định trong lĩnh vực dạy thêm tư nhân khiến hàng loạt cổ phiếu giáo dục lao dốc. Gã khổng lồ công nghệ Tencent cũng bị cấm tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc do quan ngại hành vi cạnh tranh không công bằng.
Làn sóng bán tháo hồi cuối tháng 7 đã khiến các chỉ số chính trên cả thị trường đại lục và Hong Kong chìm trong sắc đỏ, buộc Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Fang Xinghai phải tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các ngân hàng đầu tư để thảo luận về vấn đề này. Theo ông Fang Xinghai, sự điều chỉnh quy định giáo dục của Bắc Kinh - nghiêm cấm các cơ sở giáo dục cung cấp dịch vụ giảng dạy nội dung trong trường học theo hình thức kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc cổ phần hóa - thực chất chỉ nhằm giảm gánh nặng học phí cho phụ huynh chứ không nhằm mục đích hạn chế dòng đầu tư nước ngoài như thị trường lo ngại. Và các công ty giáo dục sẽ có nhiều thời gian để tái cấu trúc theo hướng đáp ứng các yêu cầu của Bắc Kinh.
Ông Fang Xinghai cho hay Trung Quốc vẫn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước niêm yết tại nước ngoài, miễn là tuân thủ đầy đủ yêu cầu của các cơ quan quản lý.